Độc tính cấp và tác động giảm đau ngoại biên, kháng viêm cấp của bài thuốc thu thập tại tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Bùi Phạm Minh Mẫn, Nguyễn Văn Đàn, Bùi Chí Bảo và Trịnh Thị Diệu Thường - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Hồ Phạm Thục Lan tại TP.HCM bệnh lý thoái hóa khớp có tần suất chung là 66% ở người trên 40 tuổi, trong đó chủ yếu là thoái hóa cột sống thắt lưng và thái hóa khớp gối. Việc điều trị bằng thuốc đặc biệt là các thuốc kháng viêm ở các bệnh lý thoái hóa khớp có hiệu quả cải thiện triệu chứng nhanh tuy nhiên có tác dụng phụ trên tim mạch, thận và đường tiêu hóa, gây khó khăn trong việc sử dụng lâu dài. Trong khi đó ở nước ta, với tinh thần “Nam dược trị nam nhân”, có nhiều bài thuốc dân gian vẫn còn lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Cụ thể, tại Sóc Trăng qua sưu tầm các bài thuốc dân gian chúng tôi có thu thập bài thuốc gồm Cỏ xước, Lá lốt, Cây trinh nữ, Rễ nhàu và Tang ký sinh được sử dụng để điều trị một số bệnh xương khớp, đặc biệt là thái hóa khớp gối. Hầu hết người dân sử dụng bài thuốc là do truyền miệng, chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả cũng như tính an toàn của bài thuốc. Vì vậy đề tài muốn nghiên cứu độc tính cấp và tác động giảm đau ngoại biên, kháng viêm cấp của bài thuốc trên.
Cao chiết nước bài thuốc gồm Cỏ xước, Lá lốt, Cây trinh nữ, Rễ nhàu, Tang ký sinh. Thử nghiệm độc tính cấp qua việc xác định liều Dmax, LD100, LD50, LD0. Khảo sát tác động giảm đau trên mô hình gây đau quặn bụng bằng acid acetic trên 32 chuột chia ngẫu nhiên làm 4 lô, lô chứng bệnh cho chuột uống nước cất, lô đối chứng cho chuột uống diclofenac liều 7,5 mg/kg, lô thử 1 cho chuột uống cao thử liều 60 mg/kg, lô thử 2 cho liều 120 mg/kg; theo dõi số lần đau quặn bụng các lô từng khoảng thời gian khác nhau. Khảo sát tác dụng kháng viêm cấp trên mô hình gây viêm bàn chân chuột bằng carrageenan trên 24 chuột chia ngẫu nhiên vào 3 lô, lô chứng bệnh cho uống nước cất, lô đối chứng cho uống diclofenac liều 10 mg/kg, lô thử cho uống cao thử liều 60 mg/kg; theo dõi thể tích bàn chân chuột ở các thời điểm khác nhau.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao chiết nước bài thuốc gồm Cỏ xước, Lá lốt, Cây trinh nữ, Rễ nhàu, Tang ký sinh không xác định được giá trị LD50, không thể hiện độc tính cấp đường uống với liều tối đa bơm qua được đầu kim (Dmax) là 20,06 g/kg trọng lượng chuột. Qua thử nghiệm tác dụng giảm đau ngoại biên, chuột uống cao thử liều 60 và 120 mg/kg có số lần đau quặn thấp hơn lô chứng bệnh có ý nghĩa thống kê trong khoảng thời gian 20 phút đầu và từ phút 36 đến phút 40. So với diclofenac liều 10mg/kg, số lần đau quặn ở lô cao thử liều 60 và 120 mg/kg khác nhau không có ý nghĩa thống kê; so sánh số lần đau quặn giữa 2 liều 60 và 120 mg/kg cũng không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Qua thử nghiệm tác dụng kháng viêm cấp, lô chuột uống cao thử liều 60 mg/kg có tác động giảm độ phù bàn chân so với lô chứng bệnh tại thời điểm 5 giờ sau khi gây viêm (30,63% và 51,73%); so sánh giữa lô cao thử liều uống 60 mg/kg và lô đối chứng diclofenac 10 mg/kg, ở tất cả các thời điểm khảo sát, tác động giảm độ phù bàn chân chuột ở lô cao liều 60 mg/kg thấp hơn sơ với lô đối chứng diclofenac 10mg/kg, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Cao chiết từ bài thuốc không có độc tính cấp trên chuột, có tác động giảm đau ngoại biên ở 2 liều 60 mg/kg và 120 mg/kg tương tự diclofenac liều 10 mg/kg và không có sự khác biệt giữa 2 liều. Cao chiết uống liều 60 mg/kg có tác dụng kháng viêm cấp tại thời điểm sau khi gây viêm 5 giờ, tác động này chậm và thấp hơn so với thuốc đối chứng diclofenac 10 mg/kg trên mô hình gây phù chân chuột.
ctngoc
Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019