Vai trò của cán bộ y tế trường học trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh
Nghiên cứu do đồng tác giả Dương Tiểu Phụng và Nguyễn Lệ Huyền - Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa.
Để triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong độ tuổi đến trường một cách đầy đủ, vai trò của công tác y tế trường học (YTTH) rất cần thiết, quan trọng. Trong đó, CBYTTH có ảnh hưởng tích cực đối với việc quản lý, theo dõi, sàng lọc các vấn đề sức khỏe ở học sinh. Cán bộ y tế trường học (CBYTTH) còn có vai trò quan trọng trong việc làm giảm tỉ lệ học sinh vắng mặt tại trường do các vấn đề liên quan đến sức khỏe, giúp làm giảm thời gian nhân viên nhà trường dành cho hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh. Hiện nay, cán bộ y tế tại các trường học vẫn còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (YTDP), có 55,4% trường học không có CBYT, trong số các CBYTTH thì có 43% là kiêm nhiệm. Kiên Giang là một trong số các tỉnh có tỉ lệ trường không có CBYT cao nhất tại khu vực phía Nam với 37% trong năm học 2015-2016. Trong đó, thành phố Rạch Giá là một trong hai khu vực có tỉ lệ trường không có CBYT chiếm tỉ lệ cao nhất. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về vai trò, tác động của CBYTTH đối với công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Thiếu bằng chứng cho thấy vai trò, ảnh hưởng của CBYTTH trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh là vấn đề đáng quan tâm trong tình hình kinh phí dành cho hoạt động YTTH còn hạn chế mà tỉ lệ trẻ mắc các vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng. Vì thế, nghiên cứu được tiến hành để đánh giá vai trò của CBYTTH trong chăm sóc, quản lý các vấn đề sức khỏe ở học sinh; đây được xem là một trong các chỉ số chuyên biệt để đánh giá hiệu quả của CBYTTH đối với việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe học sinh. Từ đó cung cấp bằng chứng, thông tin cho việc đưa ra các chính sách về nhân sự cho hoạt động y tế trường học, đặc biệt là cán bộ y tế tại các trường, nhằm phát triển đội ngũ CBYTTH đảm bảo về số lượng và trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng là tiền đề cho các nghiên cứu liên quan sâu rộng hơn sau này.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá sự khác biệt giữa trường có và không CBYTTH về việc khám/kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu, tổ chức triển khai các chương trình y tế, phong trào vệ sinh phòng bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh. Đánh giá vai trò của CBYTTH đối với việc giảm tải công việc cho cán bộ nhà trường trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh; giúp cải thiện sức khỏe học sinh.
Nghiên cứu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và TYT xã/phường tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang năm học 2017- 2018; cán bộ ban giám hiệu phụ trách công tác YTTH, CBYTTH, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ TYT xã/phường phụ trách công tác YTTH. Kỹ thuật chọn mẫu Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang có 57 trường học bao gồm 11 trường Mầm non, 27 trường Tiểu học, 13 trường Trung học cơ sở và 6 trường Trung học phổ thông. Chọn ngẫu nhiên 1 trường có CBYT và 1 không có CBYT ở mỗi cấp học. Tổng số trường được chọn là 8 trường. Ở mỗi trường, chọn chủ đích 1 ban giám hiệu và 1 CBYT (đối với trường có CBYTTH) phụ trách công tác YTTH ít nhất là 1 năm học, chọn ngẫu nhiên 1 giáo viên chủ nhiệm. Ở mỗi TYT xã/phường có trường học được chọn đưa vào nghiên cứu, chọn chủ đích một CBYT phụ trách công tác YTTH ít nhất là 1 năm học. Tổng số có 26 đối tượng tham gia phỏng vấn sâu, gồm 8 hiệu trưởng, 8 giáo viên, 6 cán bộ TYT và 4 CBYTTH. hương pháp, công cụ thu thập dữ liệu Phỏng vấn sâu các đối tượng nghiên cứu bằng bộ câu hỏi soạn sẵn, sử dụng bảng kiểm được thiết kế sẵn để thu thập các thông tin từ sổ sách, hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh. Dữ liệu sau khi thu thập qua các buổi phỏng vấn được gỡ băng, tổng hợp và lưu trữ dưới dạng file điện tử và bản cứng. Mã hóa dữ liệu theo chủ đề: thông tin về đối tượng nghiên cứu, khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu, xử trí ban đầu, triển khai các chương trình y tế, truyền thông-giáo dục sức khỏe, giảm thiểu gánh nặng công việc cho cán bộ nhà trường, giúp cải thiện sức khỏe học sinh. Đánh giá vai trò của CBYTTH thông qua đánh giá sự khác biệt về nội dung thực hiện theo các nhóm chủ đề giữa nhóm trường có và không có CBYTTH, những nhận định của cán bộ TYT, ban giám hiệu, giáo viên về vai trò của CBYTTH; hồ sơ, sổ sách về quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, CBYTTH có vai trò quan trọng trong sơ cấp cứu, truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức khám/kiểm tra sức khỏe cho học sinh, triển khai các chương trình y tế, phong trào vệ sinh phòng bệnh tại trường. Tỷ lệ bệnh răng miệng (41,4%), suy dinh dưỡng (36,3%), thừa cân (13,2%) ở trường không có CBYTTH cao hơn so với trường có CBYTTH (27,4%, 13%; và 5,8%). CBYTTH giúp giảm tải công việc cho ban giám hiệu, giáo viên trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh. Tuy nhiên, CBYTTH chưa thể hiện được vai trò trong việc theo dõi sức khỏe của học sinh, hoàn thành các hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh theo quy định. CBYTTH đóng vai trò tích cực trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh cũng như giảm thiểu gánh nặng công việc cho ban giám hiệu, giáo viên. Cần tạo điều kiện thuận lợi để họ chịu trách nhiệm chính và phát huy hiệu quả vai trò của mình.
ctngoc
Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019