SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bước đầu xác định mối liên quan giữa SNP rs12922061 trên gen tox3 và nguy cơ ung thư vú ở người Việt Nam

[18/05/2020 09:49]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Huệ , Lương Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện.

Ảnh minh họa.

Với tỷ lệ mắc bệnh, tử vong năm 2018 lần lượt là 2,1 triệu ca và 626.679 ca, ung thư vú đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu hiện nay tập trung tìm kiếm mối liên quan giữa những yếu tố di truyền với ung thư vú, nhằm tìm kiếm các chỉ thị di truyền đặc trưng, cung cấp thông tin cho việc phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh. Mối tương quan giữa các đa hình đơn nucleotid (Single nucleotide polymorrphism, SNP) trên những gen tham gia sửa sai DNA, kích hoạt chu trình apoptosis của tế bào (TOX3, ERCC1, TP53) là một trong những yếu tố di truyền đang được quan tâm. Trong đó, rs12922061 trên gen TOX3 (TOX high mobility group box family member 3) được chứng minh gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở quần thể người Nhật Bản, Trung Quốc khi mang alen T với tỷ số nguy cơ lần lượt là 1,23 (T vs. C: OR [95% CI] = 1,23 [1,15 – 1,31], P=0,008. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những thông tin này còn khá hạn chế.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định mối tương quan giữa rs12922061 với nguy cơ ung thư vú ở người Việt Nam, cung cấp thông tin cho việc chẩn đoán nguy cơ mắc ung thư vú cho người Việt Nam.

Nghiên cứu đối tượng nghiên cứu 200 mẫu máu toàn phần thu nhận với sự chấp thuận của Hội đồng y đức bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh với quyết định số 1177/HĐĐĐ-CĐT, 18.11.2014. Trong đó, 100 mẫu bệnh lấy từ bệnh nhân nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú ác tính và chuẩn bị mổ, 100 mẫu đối chứng lấy từ những phụ nữ khỏe mạnh (không có dấu hiệu ung thư) tại thời điểm thu mẫu. Hai nhóm mẫu được sử dụng cho nghiên cứu giống nhau về giới tính, dân tộc và cân bằng độ tuổi. Mẫu máu thu nhận được chứa trong các ống lấy máu EDTA và được vận chuyển về phòng thí nghiệm trong ngày, bảo quản ở -20oC trước khi thực hiện tách chiết DNA. DNA bộ gen ly trích từ máu toàn phần bằng phương pháp tủa muối theo quy trình được xây dựng bởi PGS. TS Nguyễn Thị Huệ. Mẫu DNA sau tách chiết được xác định nồng độ và độ tinh sạch bằng các giá trị OD260/OD280 đo từ máy NanoDrop 1000 Spectrophotometer (Thermo Scientific, USA). Các mẫu DNA có tỉ lệ OD260/OD280 trong khoảng từ 1,7 – 2,0 được sử dụng để pha loãng xuống nồng độ 10ng/μl, chuẩn bị cho khảo sát kiểu gen.

Xây dựng phương pháp xác định kiểu gen (HRM) của rs12922061. Phân tích mối tương quan giữa SNP với ung thư vú trên bộ mẫu 100 bệnh/chứng bằng phương pháp bệnh/chứng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp xác định kiểu gen của rs12922061 được xây dựng có độ nhạy, độ ổn định và độ đặt hiệu cao. Kết quả bước đầu cho thấy SNP này có tính đa hình cao trong quần thể người Việt Nam với tần số alen T ở nhóm bệnh là 33%, nhóm chứng là 41%. Giá trị P >0,05 trong phân tích chi – square Test và hôì quy logisstic chưa cho thấy mối liên quan giữa rs12922061 với ung thư vú. Độ tin cậy của phân tích 14,9% chưa đủ để xác nhận vai trò của SNP trong ung thư vú. Đây là SNP tiềm năng cho phân tích mối liên quan đến nguy cơ ung thư vú. Sự tác động của SNP đến ung thư vú có thể được xác nhận nếu thực hiện phân tích trên cỡ mẫu 800 bệnh/chứng, với độ tin cậy đạt tới 75%.

ctngoc

Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài