Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần học sinh trung học cơ sở tại 5 tỉnh năm 2015
Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Thị Hồng Diễm - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và Chu Văn Thăng - Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện.
Ảnh minh họa.
Sức khỏe tâm thần (SKTT) là một trạng thái không chỉ không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, vui tươi yêu đời. Học sinh là tương lai của đất nước, sức khỏe của học sinh hôm nay quyết định đến khuynh hướng sức khỏe dân tộc trong tương lai. Để tương lai được bền vững thì chúng ta phải tạo điều kiện cho các em phát triển hài hòa, toàn diện về cả thể chất lẫn tâm thần. Chăm sóc SKTT tạo điều kiện cho việc phát triển trí tuệ, tăng cường khả năng cân bằng tâm lý, tình cảm, thích nghi với môi trường sống, với các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội. Sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ dẫn đến rối loạn hành vi, mất kiểm soát và có những hành vi sai lệch gây ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và xã hội. Học sinh trung học cơ sở là lứa tuổi vị thành niên, đây là giai đoạn chuyển tiếp của sự phát triển từ tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành, giai đoạn nảy sinh nhiều rối nhiễu về tâm lý. Những thay đổi này vừa phức tạp, vừa đột biến. Ở giai đoạn này, các em phải chịu nhiều tác động tâm lý từ chính bản thân do sự phát triển của cơ thể, đồng thời chịu tác động rất nhiều từ bên ngoài như các mối quan hệ xã hội, gia đình, nhà trường. Các tác động ấy gây ra nhiều thay đổi trong tâm tư, tình cảm của các em, nếu những thay đổi đó không được kiểm soát sẽ gây ra những rối loạn tâm lý cho trẻ. Việt Nam đang trong quá trình phát triển hội nhập quốc tế, kinh tế - xã hội biến đổi nhanh, lối sống gấp gáp, điều này đã dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh không còn thời gian để quan tâm đến tâm lý của trẻ. Áp lực học tập, thi cử cũng như các mối quan hệ khác giới khiến cho trẻ luôn bị căng thẳng. Tất cả những điều trên đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ, đặc biệt là đối với lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi đang có những thay đổi tâm sinh lý đặc biệt.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh trung học cơ sở tại 5 tỉnh thuộc miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên năm 2015.
Nghiên cứu học sinh trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9) ại các trường học được lựa chọn vào nghiên cứu từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2015. Nghiên cứu đã lựa chọn chủ đích 5 tỉnh Vĩnh húc, Hà Nam, tình Định, An Giang, Gia Lai thuộc miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang trên với 6.639 học sinh của 20 trường học THCS tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bình Định, An Giang, Gia Lai.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ học sinh có biểu hiện SKTT chung là 14,0%; học sinh nghi ngờ có vấn đề SKTT là 15,6%. Phân tích theo giới cho thấy tỷ lệ học sinh nam có vấn đề sức khỏe tâm thần chung là 17,4% và học sinh nữ là 10,8%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ học sinh có vấn đề và nghi ngờ có vấn đề SKTT ở khía cạnh quan hệ xã hội là cao nhất (13,2 % và 26,5%), tiếp đến là ở khía cạnh quan hệ bạn bè (13,5% và 21,6% ). Học sinh nam có vấn đề về quan hệ xã hội và quan hệ bạn bè cao (16,8% và 15,0%) và cao hơn học sinh nữ, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05); học sinh nữ có vấn đề về quan hệ bạn bè cao nhất (12,1%). Nhìn chung thực trạng các vấn đề SKTT của học sinh năm 2015 tương đối cao, học sinh nam có vấn đề SKTT cao hơn nữ. Hai nhóm rối loạn sức khoẻ tâm thần thường gặp nhất ở nghiên cứu là nhóm về giao tiếp xã hội và quan hệ bạn bè.
ctngoc
Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019