Tỷ lệ hiện mắc virus viêm gan B, kiến thức, mức độ tuân thủ và hiệu quả tiêm phòng vaccine viêm gan B của người dân đến xét nghiệm tại trung tâm y tế dự phòng Đồng Tháp năm 2017 – 2018
Nghiên cứu do các tác giả Võ Hiếu Nghĩa và Lê Lan Trinh - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhằm mục tiêu xác định tỷ lệ nhiễm HBV của người dân từ 6 – 60 tuổi đến xét nghiệm tại TTYTDP tỉnh Đồng Tháp năm 2017; xác định tỷ lệ kiến thức đúng về viêm gan virus B của người dân từ 18 – 60 tuổi đến xét nghiệm tại TTYTDP tỉnh Đồng Tháp năm 2017, tỷ lệ tuân thủ đúng lịch tiêm phòng vacicne viêm gan B của người dân từ 6 – 60 tuổi đến xét nghiệm tại TTYTDP tỉnh Đồng Tháp năm 2017 - 2018. Xác định tỷ lệ đáp ứng miễn dịch AntiHBs (+) sau 3 mũi tiêm ngừa virus viêm gan B đối với người dân từ 6 – 60 tuổi đến xét nghiệm tại TTYTDP tỉnh Đồng Tháp năm 2017 - 2018.
Ảnh minh họa.
Tử vong vì các bệnh liên quan đến viêm gan được ước tính đứng vị trí thức 3 trong số các bệnh truyền nhiễm, và trong năm 2014 có hơn 2 tỷ người đã bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) trên toàn cầu. Việt Nam nằm trong vùng lưu hành cao của viêm gan virus, tỷ lệ nhiễm HBV từ 8 – 25%. Bệnh viêm gan B (VGB) vẫn chưa có thuốc đặc trị, và những người bị nhiễm bệnh có thể là nguồn lây cho những người chưa có miễn dịch với HBV. Vì vậy, phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Biện pháp hiệu quả nhất là sử dụng vaccine sớm và đúng quy định, nhất là đối với trẻ sơ sinh và các đối tượng có nguy cơ cao. Việt Nam đã đưa vaccine viêm gan B vào chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng từ năm 1997 và thực hiện tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh cho tất cả trẻ từ năm 2003. Để trẻ em đạt được miễn dịch sớm và đầy đủ, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ, và 3 mũi trong năm đầu đời với khoảng cách tối thiểu là 4 tuần. Đối với trẻ lớn, thanh thiếu niên và người trưởng thành, phác đồ tối ưu tiêm phòng vaccine viêm gan B được sử dụng thường quy với lịch trình 3 mũi. Cụ thể, liều thứ hai và liều thứ ba có khoảng cách ít nhất lần lượt là 1 tháng và 6 tháng sau liều vaccine đầu tiên. Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp (TTYTDP) đã thực hiện 27.123 mũi tiêm trong năm 2015. Trong đó, 3.001 mũi tiêm phòng HBV (chiếm 11,1%) và tăng lên 4.243 mũi năm 2016 (chiếm 14,8% trong tổng số 28.671 mũi tiêm).
Nghiên cứu người dân từ 6 – 60 tuổi đến xét nghiệm virus viêm gan B tại TTYTDP Đồng Tháp năm 2017. Người dân từ 6 – 60 tuổi, chưa từng tiêm ngừa HBV, lần đầu xét nghiệm virus viêm gan B, tại TTYTDP Đồng Tháp năm 2017 và đồng ý tham gia nghiên cứu. Thời gian thực hiện từ tháng 04/2017 – 06/2018 tại TTYTDP tỉnh Đồng Tháp (được đổi tên thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp từ 05/2018). Nghiên cứu thực hiện ở 244 đối tượng bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Xác định tỷ lệ nhiễm và kiến thức về HBV dựa vào nghiên cứu cắt ngang. Nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu được áp dụng để xác định tỷ lệ tuân thủ và hiệu quả tiêm phòng vaccine viêm gan B.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5,8% người dân từ 6 – 60 tuổi đến xét nghiệm tại TTYTDP Đồng Tháp năm 2017 nhiễm HBV. Có 24,6% người dân trong độ tuổi này tuân thủ đúng lịch hẹn tiêm phòng HBV khi có chỉ định của nhân viên y tế. Và hiệu quả tiêm phòng HBV đánh giá thông qua đáp ứng miễn dịch AntiHBs (+) đạt 98,1%. Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ người dân từ 18 – 60 tuổi có kiến thức đúng về viêm gan virus B là 16,2%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên quan thức về bệnh VGB và nhóm tuổi, học vấn, nghề nghiệp của đối tượng tham gia phỏng vấn.
ctngoc
Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019