SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo trên trẻ em tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ

[18/05/2020 10:02]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Tấn Vinh, Đặng Văn Chính và Lê Thị Ngọc Ánh - Viện Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Nghiên cứu được tiến hành nhằm cung cấp thêm các bằng chứng giúp việc điều trị và phòng ngừa bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo (Toxocara spp.) trên trẻ em trong cộng đồng được hiệu quả.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định tỉ lệ trẻ em từ 5-15 tuổi nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, tỉ lệ nhiễm cần điều trị và các yếu tố liên quan đến nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ.

Nghiên cứu cắt ngang mô tả thực hiện với cỡ mẫu 193 trẻ từ 5 đến 15 trên địa bàn xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, được chọn bằng phương pháp ngẫu nhiên hệ thống. Nghiên cứu tiến hành lấy mẫu máu của trẻ để xét nghiệm và phỏng vấn trực tiếp cha/mẹ trẻ về các yếu tố tiếp xúc của trẻ qua bộ câu hỏi được soạn sẵn. Nghiên cứu cứu đã được chấp thuận của Hội đồng Đạo đức-Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh số: 193/ĐHYD-HĐ, ngày 19/5/2017. Kiểm định chi bình phương được sử dụng để phân tích mối liên quan giữa các biến số trong nghiên cứu với mức ý nghĩa p <0,05.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ trẻ bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo (Toxocara spp.) là 71% (137/139). Trong đó, tỉ lệ trẻ nhiễm cần điều trị là 30% (41/137), số còn lại trẻ nhiễm ở thể không triệu chứng, không cần điều trị, chỉ theo dõi, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Kết quả nghiên cứu còn tìm thấy những trẻ bị nhiễm Toxocara spp. có tỉ lệ tăng BCAT cao hơn 1,63 lần (p= 0,02, PR=1,63, KTC 95% (1,04–2,56)) và tăng nồng độ IgE toàn phần cao hơn 2,45 lần (p= 0,001, PR=2,45, KTC 95% (1,52–3,93)) so với nhóm trẻ không bị nhiễm. Có mối liên quan giữa học vấn của trẻ với nhiễm Toxocara spp., trong đó trẻ học cấp hai có tỉ lệ nhiễm giun đũa chó mèo cao hơn 1,64 lần so với trẻ học lớp mẫu giáo (p=0,01, PR=1,64, KTC 95% (1,09-2,46)). Ngoài ra, các yếu tố gia đình từng nuôi chó mèo, số lượng chó mèo hiện đang nuôi 4-6 con là yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ trẻ nhị nhiễm giun đũa chó mèo. Và những gia đình ăn rau sống được rửa sạch thường xuyên tại nhà là yếu tố làm giảm tỉ lệ nhiễm Toxocara spp. (với p <0,05). Tỷ  lệ nhiễm Toxocara spp. ở trẻ em  là 71,0%. Trong đó, có 30% trẻ cần điều trị (trong 10 trẻ nhiễm thì chỉ có 3 trẻ cần điều trị). Cần tăng cường truyền thông các kiến thức phòng chống lây nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo cho trẻ em và phụ huynh như: rửa sạch rau sống trước khi ăn, hạn chế nuôi nhiều chó mèo trong nhà, hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo, tiêm ngừa giun sán chó mèo định kỳ 6 tháng/lần.

ctngoc

Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài