SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích hiệu quả kỹ thuật của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại Đồng bằng sông Cửu Long

[19/05/2020 15:44]

Nghiên cứu: “Phân tích hiệu quả kỹ thuật của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại Đồng bằng sông Cửu Long” do nhóm tác giả: Nguyễn Văn Phụng, Phan Thanh Lâm - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.

Tôm thẻ chân trắng (TCT) được xem là loài có giá trị kinh tế quan trọng, được nuôi phổ biến khắp 08 tỉnh ven biển ĐBSCL. Theo Tổng cục Thủy sản (2018) thống kê năm 2018 diện tích nuôi tôm TCT cả nước lên đến 103.568 ha mặt nước và tổng sản lượng đạt 464.924 tấn; trong đó, ĐBSCL có diện tích nuôi lớn nhất với khoảng 78.329 ha (chiếm 76%) và sản lượng đạt 346.283 tấn (chiếm 74%). Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất như: cải tiến hệ thống ao nuôi, sử dụng thức ăn và chế phẩm sinh học; ứng dụng kỹ thuật tuần hoàn khép kín; kỹ thuật semi-bioflocs; nuôi tôm hai giai đoạn; kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín. Với những thành tựu trên đã làm thay đổi mạnh mẽ năng suất và chất lượng tôm TCT thâm canh, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất. Kết quả nghiên cứu của Phan Thanh Lâm và ctv., (2018) ghi nhận tôm TCT ở hình thức thâm canh với năng suất trung bình đạt trên 8 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về diện tích, quy mô đầu tư và việc kiểm soát môi trường vùng nuôi còn nhiều hạn chế đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường nước dẫn đến gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong vùng (Đinh Xuân Lập và ctv., 2018). Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng quy mô sản xuất của người nuôi tôm cũng còn nhiều mặt hạn chế. Vì vậy, nghề nuôi tôm TCT hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh và năng suất tôm nuôi không ổn định. Trước những thực trạng trên, việc phân tích hiệu quả kỹ thuật của mô hình này là việc nghiên cứu cần thiết, với mục tiêu chính là nhằm đánh giá lại hiện trạng nghề nuôi và đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện năng suất, từ đó làm cơ sở để xây dựng quy trình nuôi tôm TCT thâm canh nâng cao hiệu quả sản xuất và bền vững ở ĐBSCL.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp kỹ thuật để cải thiện năng suất tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để lựa chọn vùng khảo sát và trang trại/hộ nuôi để phỏng vấn. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2018, tiến hành điều tra phỏng vấn 120 trang trại/hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại 05 tỉnh ven biển. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả và phân tích hàm sản xuất để đưa ra các chỉ số chính làm cơ sở đề xuất các giải pháp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy với việc gia tăng mật độ và cải thiện thiết kế hệ thống ao nuôi của nhóm ao lót bạt đạt năng suất (26,91 ± 9,95 tấn/ha/vụ) cao hơn so với nhóm ao đất (9,16±4,83 tấn/ha/vụ). Có khoảng 60%/trang trại/hộ nuôi không đánh giá được chất lượng nguồn giống. Việc xả nước và bùn thải trực tiếp ra kênh rạch mà không qua bước xử lý vẫn còn đang tiếp diễn, với 40% số trang trại/hộ nuôi. Điều này có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi, và ảnh hưởng đến mất năng suất như bệnh gan tụy cấp (AHPND) và bệnh phân trắng (WFD), với tỷ lệ số trang trạị/hộ nuôi xác nhận gặp phải hai loại bệnh này lần lượt là 81,67% và 95,6%. Kết quả phân tích hàm sản xuất cho thấy mật độ thả giống ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất tôm nuôi so với các yếu tố còn lại. Trong đó, biến diện tích ao nuôi và FCR có tương quan nghịch với năng suất. Các giải pháp cơ bản cần chú trọng: xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi, mật độ thả hợp lý, phương pháp kiểm soát thức ăn và phòng trị bệnh.

ntdinh

 

 

 

Tạp chí nghề cá sông cửu long số 15/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ