SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho 3 nhà khoa học

[19/05/2020 16:03]

Hai tác giả nhận Giải thưởng chính là PGS.TS Phạm Tiến Sơn (lĩnh vực Toán học), PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (lĩnh vực Y-Dược) và Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ thuộc về TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (lĩnh vực Vật lý).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 18/5 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ở lĩnh vực y dược, nghiên cứu của PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y dược TPHCM) đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ y học thế giới về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong các trường hợp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chuyển phôi đông lạnh được xem là cho kết quả có thai sinh sống cao hơn so với chuyển phôi tươi ở các trường hợp vô sinh bị hội chứng buồng trứng đa nang. Trước đây chưa có câu trả lời cho việc, liệu chuyển phôi đông lạnh có thể cho kết quả tương tự ở phụ nữ vô sinh không bị hội chứng đa nang.

Nghiên cứu đã đi đến kết luận, đối với phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang, khi thực hiện IVF, chuyển phôi đông lạnh không làm tăng có ý nghĩa tỉ lệ thai diễn tiến hay tỉ lệ sinh sống so với chuyển phôi tươi.

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, đã có gần 1.000 bệnh nhân tham gia để các nhà khoa học trả lời được câu hỏi nghiên cứu, tìm ra giải pháp điều trị tốt nhất và giúp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân khác.

“Các bệnh nhân chính là những người thầy của chúng tôi với những đặc điểm, triệu chứng, vấn đề bệnh lý khác nhau. Họ chính là động lực cho chúng tôi làm nghiên cứu nhằm tìm ra những phương cách chữa trị hiệu quả và phù hợp nhất”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ và cho biết sau nghiên cứu này một đội ngũ làm nghiên cứu chuyên nghiệp, chất lượng đã được hình thành và ngày càng được giới khoa học thế giới biết đến.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho PGS.TS Phạm Tiến Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Công trình nghiên cứu của PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lạt) giải quyết vấn đề cơ bản trong toán học đó là, bài toán tối ưu nửa đại số: tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số (là tập được xác định bởi các phương trình và bất phương trình đa thức). Dựa vào các kết quả nghiên cứu, chứng tỏ nghiệm tối ưu của hầu hết các bài toán tối ưu đa thức hoàn toàn được xác định bằng cách giải một số hữu hạn các bài toán quy hoạch nửa xác định.

Chia sẻ trong ngày nhận giải, PGS Sơn cho biết, luôn có hai khó khăn cơ bản đối với những người làm công tác nghiên cứu (đặc biệt với các bạn trẻ) đó là thời gian cho nghiên cứu ít và kinh phí được tài trợ không nhiều và không phải khi nào cũng có. Ông đã vượt qua những trở ngại và gắn bó với hoạt động nghiên cứu bằng niềm đam mê khoa học, mong muốn học hỏi và khám phá cái mới.

"Kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt chỉ có thể đạt được khi ta dành trọn thời gian cho khoa học", PGS Sơn nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ năm nay được trao cho TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Đại học Tôn Đức Thắng) với công trình nghiên cứu nhằm đưa ra một phương pháp khác để xác định chính xác quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu từ hướng tiếp cận điện môi. Hướng tiếp cận hiện tại là một lựa chọn khác cho việc tính toán thời gian sống của điện tử nóng, vốn là một đại lượng quan trọng trong động học điện tử siêu nhanh.

TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu cho rằng kể từ khi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) chính thức đi vào hoạt động, nền khoa học Việt Nam đã có thêm bước phát triển vượt bậc.

Số lượng công bố khoa học quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam không ngừng tăng lên qua từng năm với nhiều ấn phẩm chất lượng cao đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu đã nâng tầm khoa học Việt. Điều đó cho thấy rằng khoa học và công nghệ Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển khi có sự đầu tư, đánh giá rõ ràng, khách quan và khoa học như những gì Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm thông qua NAFOSTED.

Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ và sự phát triển của các trường đại học là không thể tách rời; vì một lượng lớn nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao đang giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học. Năng lượng và tri thức khoa học công nghệ của lực lượng này chỉ có thể được giải phóng khi họ có được môi trường học thuật thuận lợi, được đánh giá đúng và đãi ngộ phù hợp. Tự chủ đại học là giải pháp cơ bản cho vấn đề này.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2014, ghi nhận và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Đến nay đã có 14 nhà khoa học được trao Giải thưởng chính và 3 nhà khoa học trẻ nhận Giải thưởng trẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Nhân dịp này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ,  Bộ KH&CN đã phối hợp xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng chống dịch; kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV2), kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,…

Đình Nam

www.chinhphu.vn (vtvanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ