Tỷ lệ và các yếu tố liên quan của nhiễm khuẩn vết mổ sau mổ lấy thai tại bệnh viện Từ Dũ
Nghiên cứu do tác giả Lê Thị Thu Hà- Bệnh viện Từ Dữ thực hiện nhằm xác định tỉ lệ và các yếu tố liên quan của nhiễm khuẩn vết mổ sau mổ lấy thai tại Bệnh viện Từ Dũ.
Nhiễm khuẩn vết mổ là một biến chứng hay gặp nhất sau phẫu thuật. Theo Hughes JM và cộng sự, tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ tùy thuộc vào tầm cỡ Bệnh viện, Bệnh viện không giảng dạy có tỉ lệ NKBV là 4,6% thấp hơn hẳn so với Bệnh viện có giảng dạy. Tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ ở Bệnh viện có giảng dạy dưới 500 giường là 6,4% so với 8,2% ở Bệnh viện có trên 500 giường. Bệnh viện Từ Dũ là một trong 3 Bệnh viện chuyên khoa Sản Phụ khoa lớn nhất nước Việt Nam, với qui mô trên 1200 giường bệnh, có chức năng chỉ đạo tuyến cho 32 tỉnh thành phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau, đồng thời là nơi đào tạo chuyên môn cho bác sĩ trong và ngoài nước, là nơi thực hành và giảng dạy cho các thế hệ học sinh - sinh viên các trường đại học – cao đẳng. Mỗi năm, tại Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 28.000 trường hợp được mổ lấy thai, các báo cáo thống kê về tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ tại Bệnh viện Từ Dũ qua các năm như sau: năm 2010 là 3,3%, 2011 là 2,5%, 2012 là 3,5%, 2013 là 1,13%. Tuy nhiên, các số liệu trên chỉ dựa vào số liệu báo cáo theo tháng của các khoa phòng nên đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì thực tế có những trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ xảy ra nhưng chưa được thống kê.
Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu xác định tỉ lệ và các yếu tố liên quan của nhiễm khuẩn vết mổ sau mổ lấy thai tại Bệnh viện Từ Dũ. Đây là một nghiên cứu thuần tập tiến cứu ở phụ nữ được mổ lấy thai trong giai đoạn nghiên cứu. nhiễm khuẩn vết mổ được xác định theo tiêu chí của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Việc theo dõi kéo dài 30 ngày để đánh giá tình trạng nhiễm trùng. Dữ liệu lâm sàng, nhân khẩu học xã hội của bệnh nhân và tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn vết mổ sau mổ lấy thai được ghi nhận bằng cách sử dụng một bảng thu thập thu thập dữ liệu tiêu chuẩn hóa. SPSS v 16.0 được sử dụng để phân tích dữ liệu.
Qua nghiên cứu 780 trường hợp mổ lấy thai từ 1/1/2016 đến 30/6/2016, với kết quả sau: Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ sau mổ lấy thai là 5%, nhiễm khuẩn vết mổ nông (da và mô dưới da) chiếm 1,5%; nhiễm khuẩn vết mổ sâu (cân và cơ thành bụng) chiếm 0,3%; nhiễm khuẩn vết mổ trong khoang cơ thể, cụ thể là viêm NMTC chiếm 3,2%. Thời gian xuất hiện nhiễm khuẩn vết mổ trung bình là 7 ± 2,3 ngày, 46,2% nhiễm khuẩn vết mổ được phát hiện trong thời gian nằm viện và 53,8% nhiễm khuẩn vết mổ xảy ra sau khi xuất viện. Những yếu tố được ghi nhận có liên quan đến nhiễm khuẩn vết mổ bao gồm: thời gian vỡ ối trên 12 giờ, (OR=21,7, KTC 95% 4,56 - 9,14, p <0,05); thời gian mổ kéo dài từ 60 phút trở lên, (OR=3,7, KTC 95% 3,25 - 11,4, p <0,05); vết mổ cũ dính (OR=13,4, KTC 95% 2,57 - 8,34, p <0,05); mất máu nhiều ≥ 1000ml trong cuộc mổ (OR=6,6, KTC 95% 4,7 - 23,5, p <0,05).
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiễm khuẩn vết mổ sau mổ lấy thai là phổ biến. Xác định các yếu tố nguy cơ đối với SSI sau CS là rất quan trọng để thực hiện mục tiêu các biện pháp cải thiện chất lượng và can thiệp kiểm soát nhiễm trùng.
Vân Anh
Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ bản tập 23 - Số 2- 2019)