Sinh trưởng của các giống tiến bộ kỹ thuật Keo lai (Acacia mangium × Acacia auriculiformis) tại vùng Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ
Nghiên cứu do các tác giả Đỗ Hữu Sơn, Ngô Văn Chính, Nguyễn Đức Kiên, Dương Hồng Quân, Hà Huy Nhật, Lã Trường Giang, Đỗ Thanh Tùng – Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp, tác giả Phạm Đình Sâm – Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, tác giả Nguyễn Huy Sơn – Viện nghiên cứu Lâm sản thực hiện hằm đánh giá sinh trưởng của giống Keo lai (BV10, BV16, BV71, BV73, BV75, BV32, BV33, TB11, AH1, TB6, TB12) và Keo tai tượng (KTT) làm đối chứng (lô hạt hỗn hợp từ vườn giống) đã được cải thiện giống để cung cấp gỗ lớn trên các loại đất chưa trồng Keo lai, hay đất trồng mới, nhằm sớm cung cấp gỗ lớn, nâng cao giá trị và hiệu quả rừng trồng phục vụ sản xuất.
Các loài Keo từ hạt được đưa vào Việt Nam từ những năm 1960, trong đó có Keo tai tượng và Keo lá tràm rất phù hợp ở các vùng sinh thái khác nhay. Giống keo lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm (Acacia mangium x Acacia auriculiformis) được phát hiện từ năm 1991. Những cây lai này (viết tắt là keo lai) được phát hiện ở các vùng như Tân Tạo, Sông Mây, Trị An, Trảng Bom ở Đông Nam Bộ, Ba Vì, Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang,…ở Bắc Bộ (Lê Đình Khả, 1999; Hà Huy Thịnh và cộng sự, 2010, 2015, 2016). Nghiên cứu giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm được thực hiện từ năm 1993 dến nay, kết quả cho thấy rằng Keo lai là một dạng lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm, có tỷ trọng gỗ và nhiều dặc điểm hình thái trung gian giữa Keo tại tượng và Keo lá tràm. Từ các nghiên cứu về dòng vô tính, đã chọn lọc và công nhận được một số dòng Keo lai có thể có tích thân cây cao nhất, chất lượng thân cây tốt nhất và có tỷ trọng gỗ tương đối cao, các dòng trồng nhiều nhất hiện nay gồm BV10, BV16, BV32, BV33, BV71,BV73, BV75, TB6, TB11, AH1, TB1, TB12.
Từ đó, nghiên cứu này thực hiện nhằm đánh giá sinh trưởng của giống Keo lai (BV10, BV16, BV71, BV73, BV75, BV32, BV33, TB11, AH1, TB6, TB12) và Keo tai tượng (KTT) làm đối chứng (lô hạt hỗn hợp từ vườn giống) đã được cải thiện giống để cung cấp gỗ lớn trên các loại đất chưa trồng Keo lai, hay đất trồng mới, nhằm sớm cung cấp gỗ lớn, nâng cao giá trị và hiệu quả rừng trồng phục vụ sản xuất.
Đánh giá sinh trưởng thực hiện ở 2 khảo nghiệm giống mở rộng tại vùng Đông Bắc bộ (Bắc Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh) và Bắc Trung bộ (Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) ở thời điểm 36 tháng tuổi. Tại Quảng Ninh: chưa có sự sai khác rõ rệt giữa các dòng về các chỉ tiêu sinh trưởng và tỷ lệ sống (ngoại trừ chiều cao vút ngọn); D1,3 trung bình toàn thí nghiệm là 11,35 cm, Hvn, Hdc và Vthân tương ứng là 12,26 m, 8,26 m và 86,70 dm3 /cây; về năng suất, có sự khác biệt khá lớn giữa các công thức khảo nghiệm, dòng BV73 và AH1 có năng suất từ 24,01 đến 24,73 m3 /ha/năm vượt trội hơn so với các dòng khác tham gia khảo nghiệm (các chỉ tiêu chất lượng của 2 dòng này cũng tốt nhất). Tại Thanh Hóa toàn khảo nghiệm có: tỷ lệ sống trung bình đạt 74,6%; D1,3 đạt 9,55 cm; Hvn đạt 10,14 m; Vthân trung bình đạt 39,88 dm3 . Có sự sai khác về Hvn nhưng D1,3 không có sự sai khác giữa các dòng Keo lai. Hai dòng BV32 và BV73 có năng suất cao nhất trong khảo nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đã chọn được các dòng Keo lai có năng suất cao để trồng tại Quảng Ninh; các dòng vô tính Keo lai khảo nghiệm tại Thanh Hóa cần có thêm đánh giá ở các năm tiếp theo.
Vân Anh
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 24/2019