Phân lập và sàng lọc xạ khuẩn từ đất có tiềm năng sản xuất kháng sinh
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Xuân Lộc, Trần Quốc Vượng, Lê Thị Thanh Thảo, Nguyễn Tú Anh, Phan Cảnh Trình – Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, tác giả Đinh Thị Lan Linh, Nguyễn Thị Ngọc Yến – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện.
Sự gia tăng các vi khuẩn đề kháng thuộc nhóm ESKAPE gồm Enterococcus faecium, Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa, và Enterobacter spp. đã báo động toàn cầu. Vì vậy, nghiên cứu kháng sinh mới cần được ưu tiên phát triển.
Xạ khuẩn là nhóm các vi khuẩn Gram dương, hiếu khí, sinh bào tử, thuộc Bộ Actinomycetales, đặc trưng bởi hai dạng khuẩn ty cơ chất và khuẩn ty khí sinh. Xạ khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc phân giải các vật liệu hữu cơ thành chất dinh dưỡng cho cây trồng. Trong ngành công nghiệp dược phẩm, xạ khuẩn là nguồn nguyên liệu sản xuất nhiều loại kháng sinh và chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học như kháng ung thư, ức chế miễn dịch và enzym. Có hơn 23.000 chất chuyển hóa được sản xuất bởi vi sinh vật, trong đó khoảng 10.000 chất (chiếm 45 %) có nguồn gốc từ xạ khuẩn với 7.600 chất (76 %) được phân lập từ các loài thuộc chi Streptomyces. Streptomyces và Micromonospora có khả năng sinh tổng hợp đến 80 % các kháng sinh hiện nay, bao gồm các amino glycosid, anthracyclin, glycopeptid, β-lactam, macrolid, nucleosid, peptid, polyen, polyether và tetracyclin.
Đối với các nghiên cứu về xạ khuẩn, mẫu đất thường được sử dụng để phân lập, vì đây là môi trường sinh cư tự nhiên của nhiều chủng xạ khuẩn đa dạng, có khả năng sản xuất nhiều loại kháng sinh. Nghiên cứu này tiến hành thu thập mẫu đất từ một số địa điểm tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, phân lập và sàng lọc xạ khuẩn có tiềm năng đối kháng với một số vi khuẩn, vi nấm gây bệnh.
Đối tượng nghiên cứu
- Mẫu nghiên cứu: 3 mẫu đất được thu thập tại 3 địa điểm.
- Vi sinh vật thử nghiệm.
- Môi trường thử nghiệm: Môi trường thạch Brain heart infusion (BHI - Merck) và thạch Sabouraud dextrose (SDA - Merck).
- Môi trường nuôi cấy xạ khuẩn.
Phương pháp nghiên cứu
- Phân lập xạ khuẩn: Thu thập và xử lý mẫu: Mẫu đất được thu thập, trong điều kiện thời tiết khô ráo, nhiệt độ trung bình 27°C; Phân lập xạ khuẩn.
- Sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật.
- Khảo sát đặc điểm sinh lý và sinh hóa của xạ khuẩn KD33.
- Khảo sát môi trường nuôi cấy xạ khuẩn KD33 để thu kháng sinh.
- Lên men và chiết xuất kháng sinh.
- Sắc ký lớp mỏng, tự sinh đồ.
- Sắc ký lớp mỏng.
- Tự sinh đồ.
Qua thời gian thực hiện, nghiên cứu đã phân lập được 24 chủng xạ khuẩn có khả năng sinh kháng sinh từ các mẫu đất thu nhận tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Trong đó, chủng KD33 có hoạt tính kháng tất cả các chủng vi sinh vật thử nghiệm. Cao ethyl acetat chiết từ xạ khuẩn KD33 cho 2 vết kháng MRSA ở Rf 0,07 và 0,37 trên sắc ký lớp mỏng kết hợp tự sinh đồ.
Vân Anh