Trầm cảm và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện Quận 2 TP.Hồ Chí Minh năm 2018
Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Ngọc Quỳnh, Phạm Phương Thảo, Lê Huỳnh Thị Cẩm Hồng - Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, hiện đang gia tăng trên toàn thế giới; trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng khuyết tật về tinh thần và thể chất; và là một đóng góp chính cho gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mãn tính với tỷ lệ hiện mắc ngày càng gia tăng do sự thay đổi lối sống, đô thị hóa và gia tăng tuổi thọ. Tại Việt Nam, theo báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2016 nhóm bệnh không lây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong đó có đái tháo đường và trầm cảm. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu phân tích gộp đã chỉ ra rằng có mối liên quan chặt chẽ giữa hai bệnh mãn tính là đái tháo đường và trầm cảm. Trầm cảm trên bệnh nhân đái tháo đường làm tăng nguy cơ tử vong gấp 1,5 lần so với những người chỉ bị đái tháo đường. Đái tháo đường đi kèm với trầm cảm sẽ dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đáng kể về kết cục sức khỏe bao gồm giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ biến chứng, tăng tỷ lệ tử vong và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu cắt ngang mô tả thực hiện trên 216 bệnh nhân đái tháo đường type 2 đến khám và điều trị ngoại trú tại phòng khám nội tiết Bệnh viện Quận 2 trong thời gian nghiên cứu.
Chọn mẫu thuận tiện những bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán ĐTĐ type 2 tại Bệnh viện Quận 2 cho đến khi đạt được cỡ mẫu cần thiết. Tiêu chí chọn mẫu Bệnh nhân ĐTĐ type 2 đến khám và điều trị ngoại trú tại phòng khám Bệnh viện Quận 2, đồng ý tham gia nghiên cứu. Bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường type 2 và có kết quả HbA1c trong 3 tháng gần nhất. Thu thập số liệu Phỏng vấn trực tiếp và ghi lại thông tin qua bộ câu hỏi soạn sẵn. Một số thông tin sẽ thu thập bổ sung từ sổ khám bệnh: chỉ số HbA1c, các bệnh kèm theo, biến chứng, phương pháp điều trị. Xử lí số liệu Nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.1. Phân tích số liệu bằng phần mềm Stata 13. Sử dụng phép kiểm Chi bình phương hoặc phép kiểm chính xác Fisher để xác định mối liên quan giữa trầm cảm với đặc điểm cá nhân, kinh tế, xã hội, đặc điểm bệnh lý, yếu tố tâm lý, yếu tố gia đình. Độ lớn mối liên quan được tính bằng tỷ số tỷ lệ hiện mắc PR (prevalence ratio) với khoảng tin cậy 95% (KTC 95%) với ý nghĩa thống kê ở mức p < 0,05. Đánh giá trầm cảm bằng thang đo PHQ-9 (gồm 9 câu).Theo thang điểm PHQ-9 điểm cắt 5,10,15,20 tương ứng với mức độ trầm cảm nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng. Trong nghiên cứu sử dụng điểm cắt PHQ-9 ≥10. Điểm cắt này là khoảng cách cắt tối ưu được khuyến nghị trên quần thể người trưởng thành và người mắc bệnh mãn tính, đảm bảo độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc đo lường rối loạn trầm cảm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trầm cảm là 25% (KTC 95%: 19-31%). Trong đó 24,5% bệnh nhân có mức độ trầm cảm trung bình, 0,5% có mức độ nặng. Đồng thời, nghiên cứu tìm thấy mối liên quan đến tỷ lệ trầm cảm của bệnh nhân: bệnh nhân nữ, trình độ học vấn thấp, tình trạng kinh tế khó khăn, có mâu thuẫn trong gia đình, mức độ bệnh nặng và bệnh nhân bị biến chứng đái tháo đường.
dtphong
Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 2/2019