Khảo sát kiến thức của bà mẹ có con duới 5 tuổi về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và một số yếu tố liên quan đến kiến thức tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai năm 2018 – 2019
Nghiên cứu do tác giả Dương Hồng Danh - Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và tác giả Phạm Văn Lình -Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện nhằm xác định kiến thức và một số yếu tố liên quan đến kiến thức về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, tiêu chảy và suy dinh dưỡng là 3 bệnh lý rất phổ biến, là nguyên nhân chủ yếu gây mắc bệnh và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và đứng thứ ba gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam.Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra yếu tố liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như kinh tế, xã hội, suy dinh dưỡng, đặc biệt là kiến thức của người mẹ. Một số nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã nêu lên vai trò quan trọng của kiến thức, thực hành của người mẹ trong việc chăm sóc con bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Long Thành là một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, dân số toàn huyện là 229.706 người với số trẻ sinh (4490 trẻ <1 tuổi) và số trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi là 15952 trẻ. Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện thì số trẻ nhiễm khuần hô hấp năm 2017 là 7753 trẻ. Do đó, nghiên cứu về kiến thức của bà mẹ về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là cần thiết và quan trọng đối với huyện Long Thành, là một trong những vùng có diện tích lớn nhất tỉnh Đồng Nai và là nơi có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi cao.
Nghiên cứu thực hiện với các mục tiêu: Xác định tỷ lệ bà mẹ có con dưới 5 tuổi có kiến thức đúng về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính; Xác định một số yếu tố liên quan đến kiến thức đúng của bà mẹ về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu áp dụng phương pháp mô tả cắt ngang trên 700 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai năm 2018-2019.
Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy, bà mẹ có kiến thức đúng về dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là 41,71%, kiến thức đúng về phòng bệnh là 18,86%, kiến thức đúng về xử trí khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là 68,29%. Bà mẹ có kiến thức chung về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đúng là 37,14%. So với nhóm kiến thức đúng về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính qua 1 nguồn, nhóm biết thông qua 4 nguồn và 5 nguồn cao hơn gấp 2,07 lần và 2,92 lần.
Qua đó, cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhằm cho trẻ nâng cao kiến thức và thực hành phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong cộng đồng.
vtvanh