Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mối quan tâm thường trực của các Sở KH&CN
Diễn ra trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc trực tuyến 2020 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 29/5 với sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề hỗ trợ giúp doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất bền vững.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc trực tuyến 2020 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 29/5.
Doanh nghiệp là trung tâm của các chính sách hỗ trợ
Việc ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được mời tham gia chủ trì Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc 2020, cho thấy mức độ quan tâm đặc biệt của lãnh đạo ngành KH&CN với tầm quan trọng của vấn đề phát triển KH&CN trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ - bộ phận chiếm đa số trong toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế quý I, thì dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh lên nhóm năng động bậc nhất nền kinh tế này, 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với Bộ KH&CN, vấn đề lấy doanh nghiệp làm trung tâm của các chính sách hỗ trợ đã được đưa ra thảo luận trong suốt nhiều kỳ Hội nghị này qua các năm cũng như các Hội nghị KH&CN cấp vùng: Tại kỳ Hội nghị Giám đốc sở KH&CN 2017, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh phải coi “doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo” và các “hỗ trợ phải đi vào thực chất, tạo ra chuyển động rõ nét”, trong kỳ Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc vào tháng 3 năm ngoái, ông cũng chỉ đạo cụ thể trọng tâm cần phải hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là, “ngành KH&CN phải xác định cụ thể các phương thức thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp với viện, trường và các cấu phần khác của hệ sinh thái. Trong đó, điều quan trọng là hệ sinh thái phải kéo được các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Sau một thời gian thực hiện chỉ đạo này, điều nhận thấy rõ ràng là đã có kết quả đong đếm được sự vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sản xuất, theo báo cáo của các sở KH&CN địa phương tại Hội nghị. Không chỉ ở các tỉnh có riêng Nghị quyết xác định “KH&CN là một trong bốn khâu đột phá cho phát triển kinh tế xã hội” như Thanh Hóa, có 6 nghị quyết của HĐND về phát triển KH&CN như Hà Tĩnh, có riêng ký kết hợp tác giữa Sở KH&CN và Hội Doanh nghiệp tỉnh như Quảng Ninh, mà nhiều tỉnh thành khác đã đưa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp dù điều kiện tài chính chưa thực sự thuận lợi.
Bến Tre là một trong các tỉnh tuy không có quá nhiều điều kiện thuận lợi về tài chính nhưng đã hỗ trợ được nhiều mô hình khởi nghiệp. Trong ảnh: Mô hình trồng rau hữu cơ trên đất sạch của Phan Gia Thịnh, Bến Tre. Nguồn ảnh: Báo Đồng Khởi.
Ngay cả với các địa phương tiềm lực hạn chế như Bến Tre hay Phú Thọ cũng cho thấy sự chuyển động trong các hoạt động hỗ trợ. Ví dụ để hiện thực hóa đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025”, Bến Tre đã mạnh dạn xây dựng chương trình 10 của Tỉnh ủy “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh”, dành riêng một không gian ươm tạo cho các doanh nghiệp manh nha mới hình thành để hỗ trợ đào tạo, kết nối với các đầu mối doanh nghiệp giúp mở rộng thị trường. Đến cuối năm 2019, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Không gian Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo MEKONG INNOVATION HUB. Và kết quả bước đầu là hiện nay toàn tỉnh có thêm 2.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Còn Phú Thọ, một tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã thu hút phần lớn doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh. “Trong mấy năm vừa rồi các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã có tới 20% doanh nghiệp tham gia, đặc biệt ở chương trình KH&CN nông thôn miền núi đã có tới 80-90% doanh nghiệp tham gia”, ông Nguyễn Trọng Thủy, Giám đốc Sở KH&CN Phú Thọ cho biết. Đến nay tỉnh này đã hỗ trợ 79 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cũng có 3 sáng chế, 1 giải pháp hữu ích được bảo hộ, lợi nhuận tăng khoảng 20-30%, và thu ngân sách của các doanh nghiệp này đạt khoảng 70 tỷ.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương không chỉ “khu trú” trong phạm vi từng địa phương mà đã có sự kết nối hướng tới mở rộng thị trường. Điển hình là để hiện thực hóa các quy định mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các Sở KH&CN Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh đã xác định sản phẩm ưu tiên để truy xuất nguồn gốc và kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ để xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, dán tem truy xuất nguồn gốc. Thậm chí tỉnh Quảng Ninh, cái nôi của chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đã có 420 sản phẩm chủ lực của địa phương và xác định phương án có 250 sản phẩm truy xuất nguồn gốc. Chỉ khi đảm bảo được truy xuất nguồn gốc mới giúp doanh nghiệp quản lý được sản phẩm theo chuỗi giá trị, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập trước hàng loạt các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA, hay ngay cả thị trường Trung Quốc cũng ngày càng khó tính.
Xét về góc độ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, điều mà các sở KH&CN địa phương hài lòng nhất là tinh thần tập trung cải cách hành chính để hỗ trợ các thủ tục một cách nhanh chóng nhất có thể như chia sẻ của ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh.
Kiến nghị hướng dẫn chính sách
Tuy nhiên, quá trình “lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hỗ trợ chính sách” không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Lãnh đạo các Sở KH&CN địa phương cho biết vẫn còn gặp khó khăn, trong đó khó khăn đầu tiên xuất phát từ mặt bằng tiềm lực của các doanh nghiệp KH&CN còn chưa mạnh, đơn cử như Hà Nội tuy có số lượng doanh nghiệp KH&CN đứng thứ hai cả nước (76 doanh nghiệp KH&CN) nhưng như Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Quốc Hà cho biết, “số lượng còn ít so với tiềm năng, tỉ lệ doanh nghiệp có đầu tư cho R&D vẫn còn thấp, ít doanh nghiệp có sáng chế, và việc nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài còn khiêm tốn”. Đó là câu chuyện ở một nơi có quá nhiều thuận lợi, còn ở các tỉnh có điều kiện ngân sách hạn hẹp hơn như Thái Nguyên, “các chương trình hỗ trợ cần đối ứng của địa phương lên tới 50% sẽ khó thực hiện”, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN Thái Nguyên nói.
Nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp khiến nhiều sở KH&CN lúng túng, ví dụ các địa phương đã cũng kiến nghị là cần được hướng dẫn cụ thể hơn để xác định các đối tượng doanh nghiệp hưởng tài trợ, hỗ trợ cho chính xác. Chẳng hạn “thế nào là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, tưởng chừng như đã được làm rõ trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với định nghĩa là “doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa vào công nghệ mới” nhưng trong thực tế “chúng tôi có tiền rồi, kế hoạch rồi, nhưng khi thẩm định hồ sơ do các doanh nghiệp nộp khởi nghiệp lên thì không biết tăng trưởng thế nào là nhanh, công nghệ thế nào là mới”, ông Phạm Quốc Chính nói.
Do đó, cũng như suy nghĩ của nhiều giám đốc sở KH&CN khác, ông đặt ra một tình huống mà bất cứ ai muốn thực thi chính sách ở địa phương cũng có thể gặp phải: “Bây giờ nếu mình hỗ trợ nhưng sau này thanh tra vào hỏi tiêu chí xác định thế nào là tăng trưởng nhanh? Hoặc hỗ trợ xong mai này họ phá sản thì sao? Dùng tiền ngân sách không đơn giản, không khéo sau này lại bị bắt vì cái tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tiền của nhà nước”.
Những thắc mắc về chính sách như thế đã trở thành điểm chung của ông Phạm Quốc Chính và một số đại biểu khác, ví dụ như họ kiến nghị làm rõ hơn về Nghị định 70 về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. Hiện nay, thông tin về việc giao quyền sử dụng tài sản, hoàn trả giá trị tài sản và phân chia lợi nhuận giữa các bên chưa được làm rõ, nên [sau khi đã có sản phẩm], “yêu cầu doanh nghiệp lập hồ sơ, giao xử lý nhưng họ không nhận” mà giao bán thì không mua, thanh lý thì rất khó. Mặt khác, theo ông hiểu, các quy định hiện hành mới chỉ chạm tới các “tài sản hữu hình” là các trang thiết bị, tài sản cố định, nhưng “KH&CN có nhiều cái mới, nhất là các tài sản vô hình, tài sản trí tuệ thì chưa biết sẽ tính sao?”.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng có ý kiến đề nghị ban hành hướng dẫn chung về quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể vì các tỉnh đang làm khác nhau; sớm xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, ban hành bộ tiêu chí đo lường quốc gia... để các địa phương có sự thống nhất trong quản lý.
Lắng nghe ý kiến của các địa phương và phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động KHCN trong cả nước và “sự năng động sáng tạo ở các địa phương” thời gian qua. Bộ trưởng cho rằng, các lãnh đạo Sở KH&CN đã cho thấy rõ vai trò tham mưu của mình để tăng cường vị thế, vai trò của ngành ở các địa phương – thể hiện trong nhiều nghị quyết, chương trình của tỉnh đã có sự tham mưu của Sở KH&CN. Đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn như đợt dịch bệnh vừa qua, ngành KH&CN đã thể hiện rõ vai trò quan trọng ở tuyến đầu của mình.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương phát triển đúng như Kết luận số 50 – KL/TW gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KH&CN; Tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, nâng cao năng lực ứng dụng KH&CN; Phát triển tiềm lực KH&CN; Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN.
Bảo Như