Mô hình tích hợp FUZZY-AHP-TOPSIS đánh giá các website bán hàng online
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Thắm, Đỗ Thị Kiều Hoanh, Trần Thị Mỹ Dung và Nguyễn Thị Lệ Thủy - Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Thương mại điện tử đã và đang không ngừng phát triển và ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Với sự ra đời ồ ạt của các website bán hàng online, việc đánh giá và lựa chọn được website phù hợp cho quyết định mua sắm thông minh luôn là vấn đề người tiêu dùng quan tâm.
Nghiên cứu này đề xuất mô hình đánh giá lợi thế cạnh tranh của các website bán hàng online tại Việt Nam, bao gồm A, B, C và D. Trong nghiên cứu, phương pháp phân tích mô hình mạng trong môi trường số mờ (Fuzzy Analytic Hierarchy Process_FAHP) được sử dụng để xây dựng bộ trọng số các tiêu chí. Tiếp đến, đề tài sử dụng mô hình xếp hạng đối tượng theo tính tương đồng với giải pháp lý tưởng (Technique for Order of Preference by Similarity to Ideal Solution_TOPSIS) để đánh giá xếp hạng các website, tìm ra website có lợi thế nhất dựa trên khoảng cách so với các giải pháp lý tưởng. Sự kết hợp của các phương pháp góp phần tạo ra môi trường khách quan trong việc đánh giá lợi thế cạnh tranh của từng website, từ đó giúp các website nhìn thấy được những tiêu chí quan trọng cần quan tâm, tạo tiền đề để các website xây dựng chiến lược cạnh tranh, trụ vững trên thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn khi mua sắm trực tuyến.
Kết quả đánh giá trên 18 tiêu chí cho thấy B được đánh giá cao nhất trong số bốn website được đề xuất, theo sau lần lượt là A, D và C.
Bên cạnh những đóng góp đáng kể, nghiên cứu cũng còn một số hạn chế. Việc khảo sát chỉ được thực hiện trên những đối tượng hiện đang học tập, làm việc và sinh sống tại thành phố Cần Thơ nên kết quả mang tính chất cục bộ. Các tiêu chí đánh giá lợi thế cạnh tranh được xây dựng dựa trên tài liệu lược khảo, chưa kết hợp thu thập ý kiến từ các chuyên gia, do đó chưa thể đánh giá sự phù hợp của các tiêu chí. Bên cạnh đó, nghiên cứu chưa kết hợp các phương pháp phân tích định tính khác để xây dựng bức tranh toàn diện hơn nhằm củng cố độ tin cậy của kết quả thu được. Đây sẽ là tiền đề để thực hiện những nghiên cứu tiếp theo trong nghiên cứu mô hình và đánh giá website. Những nghiên cứu tiếp theo cần mở rộng phạm vi khảo sát để tăng mức độ chính xác trong đánh giá cũng như củng cố lại kết quả trên diện rộng. Thêm vào đó, cần thu thập ý kiến đánh giá từ các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực để tăng sự đa dạng về số lượng cũng như tính chất của các tiêu chí nhằm tăng thêm độ tin cậy của nghiên cứu.
Lttsuong
Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ