SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhông sừng mũi tái xuất sau gần 130 năm

[15/06/2020 14:27]

INDONESIAViệc tái phát hiện nhông sừng mũi, loài vật có thể đổi màu tương tự tắc kè, mang lại hy vọng mới cho công tác nghiên cứu và bảo tồn.

Nhông sừng mũi màu xanh lá có thể chuyển sang màu nâu cam khi căng thẳng. Ảnh: Science News.

Nhà sinh vật học Chairunas Adha Putra cùng các đồng nghiệp tìm thấy mẫu vật nhông sừng mũi đầu tiên sau hơn một thế kỷ, Science News hôm 10/6 đưa tin. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Asian Biodiversity.

Năm 1891, nhà thám hiểm người Italy Elio Modigliani bắt gặp một con nhông độc đáo trong rừng cây Indonesia và mang đến bảo tàng lịch tử tự nhiên ở Genoa. Con nhông với chiếc sừng mọc trên mũi đặc trưng được phân loại và đặt tên khoa học chính thức là Harpesaurus modiglianii vào năm 1933. 

Tháng 6/2018, Putra thực hiện chuyến nghiên cứu chim tại vùng núi xung quanh hồ Toba ở Bắc Sumatra, Indonesia. Putra tìm thấy một con nhông chết gần hồ nước với các đặc điểm hình thái độc đáo nhưng không rõ nó là loài gì.

Nhà nghiên cứu bò sát Thasun Amarasinghe tại Đại học Indonesia đã đề nghị Putra gửi mẫu vật đến Jakarta. Amarasinghe nghi ngờ đây là nhông Harpesaurus modiglianii ngay khi nhìn thấy chiếc sừng trên mũi của nó. "Đây là loài nhông sừng mũi duy nhất đến nay được phát hiện tại Bắc Sumatra", Amarasinghe cho biết.

Theo đề xuất của Amarasinghe, Putra quay lại hồ nước để thử tìm kiếm mẫu vật sống. Sau 5 ngày, vào một buổi tối, ông phát hiện một con nhông nằm trên cành cây thấp, có vẻ đang ngủ. Putra chụp ảnh, đo đạc kích thước và các bộ phận cơ thể, ví dụ như chiều dài sừng mũi và đầu. Ông cũng quan sát hành vi của con vật rồi thả ra ngay trong đêm hôm đó.

Amarasinghe so sánh dữ liệu mới với mô tả năm 1933 và kết luận, cả hai mẫu vật mà Putra bắt gặp là nhông sừng mũi Harpesaurus modiglianii. Mẫu vật trong bảo tàng Genoa màu xanh da trời nhạt do trải qua quá trình bảo quản, nhưng màu sắc tự nhiên của loài vật này là xanh lá cây sáng. Khả năng ngụy trang và hành vi sống trên cây của nó tương tự với tắc kè hoa núi châu Phi.

Nhiều loài nhông sống ở những khu vực nhỏ và khó tiếp cận nên rất khó nghiên cứu, theo Shai Meiri, chuyên gia về động vật bò sát tại Đại học Tel Aviv. Có đến 30 loài nhông chưa từng tái xuất sau khi chúng được các nhà khoa học phát hiện và mô tả lần đầu, 19 loài chỉ có một mẫu vật duy nhất.

Dù rất phấn khích với phát hiện mới, Amarasinghe và Putra vẫn lo lắng về tương lai của nhông sừng mũi. "Con nhông sống được tìm thấy ở nơi nằm ngoài khu vực bảo tồn và nạn phá rừng nghiêm trọng đang diễn ra gần đó", Amarasinghe cho biết.

Tuy nhiên, việc tái phát hiện nhông sừng mũi cũng mang đến hy vọng bảo tồn loài vật này, Meiri nhận xét. "Trước khi nhông sừng mũi tái xuất, không ai biết chính xác nơi chúng sinh sống hay liệu chúng đã tuyệt chủng chưa. Nhưng giờ các nhà khoa học có thể nghiên cứu, tìm hiểu cách bảo tồn và hy vọng thực hiện được các biện pháp bảo vệ chúng", ông nói.

Thu Thảo (Theo Science News)

vnexpress.net (vtvanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ