Nhận thức của sinh viên không chuyên ngữ đối với ứng dụng E-learning trong việc dạy và học tiếng Anh
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, tầm quan trọng của tiếng Anh không thể phủ nhận vì nó được dùng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên nhiều sinh viên khi xin việc không đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng và khả năng giao tiếp tiếng Anh.
Lí do môt phần là vì chương trình học ngoại ngữ quá nặng về ngữ pháp, trong khi việc luyện phản xạ và giao tiếp không được chú trọng; phương pháp dạy và học nặng về thi cử và điểm số, thiếu thực hành cho mỗi người học, đặc biệt là kĩ năng nghe và nói; tốc độ học tập và nội dung không phù hợp với nhu cầu hoặc sở thích cá nhân của người học. Điều này gây lo lắng không chỉ cho sinh viên và phụ huynh mà cả giảng viên. Với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin hiện đại vào giáo dục, người ta đã chú ý đến việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh. Theo đó, cải cách giáo dục tiếng Anh trực tuyến đã được Bộ Giáo dục tích cực triển khai nhằm hướng tới xây dựng một xã hội học tập mà ở đó mọi công dân đều có cơ hội được học tập mọi lúc mọi nơi và học tập suốt đời. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, nhiều trường đại học hiện nay áp dụng E-learning nhằm hướng đến hình thức giáo dục đại học lấy người học làm trung tâm dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Cải cách đã có kết quả trong việc giới thiệu các ý tưởng và lý thuyết mới vào giáo dục tiếng Anh như là một ngoại ngữ (EFL) và nghiên cứu có liên quan đã được thực hiện để giới thiệu các phương pháp giảng dạy sáng tạo. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về những trải nghiệm và nhận thức của người học đối với hình thức học E-Learning. Nghiên cứu này nhằm mục đích hiểu rõ suy nghĩ của sinh viên Đại học Văn Lang đối với việc học tiếng Anh qua hình thức trực truyến, cũng như đánh giá sự hiệu quả của hình thức E-Learning đối với việc dạy và học tiếng Anh tổng quát trong Trường Đại học Văn Lang.
Nhóm nghiên cứu Đinh Thị Triều Giang và Võ Thị Duyên Anh (Trường Đại học văn Lang) đã thực hiện nghiên cứu định tính (Qualitative Research) với phương pháp Nghiên cứu trường hợp (Case Study). Công cụ nghiên cứu chính là phỏng vấn chuyên sâu (In-depth Interviews). Sau khi thu thập dữ liệu, các đoạn ghi âm sẽ được nghe lại để phân tích và kiểm chứng chéo. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Hình thức học E-Learning không thực sự làm cho việc học tiếng Anh tốt hơn. Nguyên nhân một phần từ việc sinh viên thiếu động lực học tập, có hành vi gian lận/đạo văn, có thái độ trì hoãn học tập, học đối phó với thi cử và nguyên nhân sâu xa là sinh viên quá quen thuộc với cách học tiếp nhận kiến thức vốn áp đảo trong giáo dục Việt Nam. Trong báo cáo này, các tác giả nghiên cứu và phân tích nhận thức của sinh viên Đại học Văn Lang đối với việc dạy và học tiếng Anh theo hình thức E-Learning. Mặc dù trước đây cũng có khá nhiều bài viết về E-Learning ở những mức độ liên quan như đã đề cập, nhưng nghiên cứu này giúp giảng viên cũng như các nhà giáo dục có cái nhìn sâu hơn nữa về nhận thức của người học đối với ứng dụng E-Leaning trong dạy học ngôn ngữ ở bậc đại học. Tuy nhiên, nó chỉ dừng lại ở quy mô nghiên cứu nhỏ tại Đại học Văn Lang và kết luận rút ra từ nghiên cứu này là định hướng thay đổi vai trò người học - lấy người học làm trung tâm- cùng với ứng dụng E-Learning trong việc dạy tiếng Anh.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(1), 65-73.
pcmy
Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (pcmy)