SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng bè trên sông và hồ chứa

[19/06/2020 14:02]

Cá diêu hồng có nhiều hình thức nuôi như nuôi chuyên canh trong ao, nuôi ghép với các đối tượng cá truyền thống trong ao và nuôi trong lồng, bè. Mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước đa dạng hóa vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

I. Đặc điểm sinh học của cá:

Cá diêu hồng là loại rô phi lai giữa loài rô phi đen với rô phi vằn, vẩy trên thân có màu vàng đậm hoặc nhạt hay màu đỏ hồng. Cũng có thể gặp những cá thể có màu vàng, màu hồng xen lẫn những vẩy màu đen. Cá diêu hồng là loại cá có giá trị dinh dưỡng cao, sống và phát triển tốt trong các thuỷ vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Cá diêu hồng là loài cá ăn tạp thiên về thực vật và các chất như: mùn bã hữu cơ, tảo và động vật phù du trong nước. Trong nuôi cá, ăn thức ăn tự chế biến và các phụ phẩm nông nghiệp, cám gạo, bột sắn, bột ngô hay rau bèo kết hợp một phần bột cá và thức ăn viên tổng hợp.

II. Kỹ thuật nuôi diêu hồng trong lồng

Lồng nuôi cá diêu hồng có độ thông thoáng, lưu thông nước tốt. Một lồng gồm các bộ phận chính sau: Khung lồng, phao, nhà bảo vệ, lưới lồng, dây neo, neo, đá ghiềm...

1. Lựa chọn vị trí đặt lồng bè

Vị trí đặt lồng bè phải nằm trong vùng quy hoạch và đảm bảo yêu cầu: pH = 6,5-8; Hàm lượng oxy hòa tan: 5-8mg/l; Nhiệt độ nước mùa hè: 25- 32oC; Độ trong:  sông: 30- 50 cm (mùa mưa độ trong không < 10cm), hồ chứa: 50- 100 cm; Không gần cầu cảng, nguồn nước thải. Lưu tốc dòng chảy nhẹ, không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

2. Thiết kế và lắp đặt lồng bè

Quy cỡ lồng thích hợp nuôi cá có thể tích từ 40 - 250 m3; Kích thước: 4÷8 (m) x 4÷8 (m) x 2,5÷4 (m).

Các lồng được ghép lại với nhau tạo thành bè nuôi.

Khung lồng được làm bằng sắt chữ V, sắt hộp hoặc ống kẽm đường kính từ 34 ÷ 42 mm. Lưới lồng làm bằng sợi PE dệt không gút để cá không bị sây sát. Mắt lưới thích hợp để giữ cá nhưng vẫn đảm bảo lưu thông nước tốt. Phao nổi bằng nhựa hoặc kim loại thể tích từ 200÷220 lít.

3. Kỹ thuật thả giống

Cá giống có kích thước đồng đều, từ 6÷8 cm/con. Cá khỏe, phản xạ nhanh, không bị trầy xước. Cá giống phải có chứng nhận kiểm dịch.

Tiến hành tắm cho cá bằng nước muối 2- 3% (200 - 300g muối hòa với 10 lít nước sạch) trước khi thả cá xuống lồng nuôi, mục đích để cho cá sạch mầm bệnh.

Phải kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp mới tiến hành thả giống.

Các bước thả cá giống: ngâm bao chứa cá vào nước 20-30 phút để cân bằng nhiệt độ, mở miệng bao, cho nước bên ngoài từ từ vào bao, cá trong bao tự bơi ra ngoài, không được vội vàng đổ cá ra.

Trong ngày đầu, không cho ăn để cá thích nghi với môi trường mới.

Thường xuyên kiểm tra khả năng thích nghi và sức khỏe đàn cá.

4. Kỹ thuật chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi

Quan sát trực tiếp trong lồng bè:

- Cá bơi nhanh, tập trung thành đàn, tiếp cận thức ăn nhanh, màu sắc đặc trưng cho thấy cá khỏe

- Cá bơi chậm, rải rác, không tập trung, bắt mồi kém, màu sắc nhợt nhạt cho thấy cá yếu

Thức ăn:

Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng nổi, độ đạm tiêu hóa đảm bảo tối thiểu từ 24% trở lên. Cho ăn từ 2-3 lần/ngày với khẩu phần ăn từ 2-3% trọng lượng thân.

Để đảm bảo cá sinh trưởng và phát triển tốt cần bổ sung thêm các loại men vi sinh, vitamin, khoáng chất...

Cần cho cá ăn theo nguyên tắc “3 xem”: xem điều kiện thời tiết, xem biến động các yếu tố môi trường, xem tình trạng sức khỏe của cá; “4 định”: định chất lượng thức ăn, định số lượng thức ăn, định vị trí cho cá ăn, định thời gian cho cá ăn.

5. Vệ sinh lồng bè và quản lý môi trường nuôi

Kiểm tra, vệ sinh, dùng bàn chải cọ rửa hoặc máy xịt sạch bùn, phù sa bám trong và ngoài lồng bè, loại bỏ thức ăn dư thừa, gỡ bỏ rác bám hoặc thay lồng nuôi mới để tăng khả năng lưu thông của nước bên trong và ngoài lồng bè.

Nếu điều kiện môi trường bất lợi cần dùng máy bơm tạo dòng chảy mạnh hoặc máy thổi khí để tăng ô-xy, đẩy bùn, rác ra khỏi lồng bè.

Trong quá trình làm vệ sinh cần kiểm tra lồng, phát hiện kịp thời các mắt lưới gần rách, vết rạn nứt để vá lại ngay nhằm hạn chế cá thất thoát ra ngoài.

Thường xuyên theo dõi diễn biến của môi trường nước, quan sát các hoạt động bơi lội, bắt mồi của cá để có các biện pháp xử lý kịp thời. Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo lồng, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ và nước chảy xiết.

Trước khi thả cá và sau mỗi vụ nuôi, thu hoạch cá xong, đưa lồng lên bờ (nếu có điều kiện) dùng vôi hoặc Chlorin 30ppm phun lên lồng, sau đó phơi khô 1- 2 ngày.

6. Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 6 tháng cá đạt trên 800 gr/con, tiến hành thu hoạch cá.

Dừng sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh trước 2 tuần khi xuất bán.

Dừng cho cá ăn ít nhất 1 ngày trước khi đánh bắt hoặc vận chuyển để không làm ảnh hưởng đến cá.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ