SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ba kích tím

[19/06/2020 14:04]

Ba kích (Morinda officinalys) là cây dược liệu quý, có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, chữa thấp khớp, giảm xơ cứng động mạch, tăng cường khả năng sinh lý nam giới... Việc chọn tạo cây giống ở giai đoạn đầu là rất quan trọng, quyết định năng suất lâu dài của cây và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Ba kích tím mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Là một tỉnh nằm trong vùng phân bố tự nhiên của cây ba kích nên việc đưa Ba kích tím vào cơ cấu cây dược liệu của Yên Bái là hoàn toàn phù hợp…

Sau khi trồng từ 5 - 7 năm, cây có thể cho thu hoạch từ 8 – 12 kg củ/cây. Cây càng để lâu năm, sản lượng càng cao, chất lượng dược liệu càng tốt. Giá bán thị trường khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg củ tươi. Hiện tại ba kích tím có giá trị xuất khẩu cao nhưng chưa được trồng nhiều nên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về loại dược liệu này. Dưới đây là kinh nghiệm trồng cây ba kích tím như sau:

- Chất lượng cây giống: Cây giống ba kích tím đủ tiêu chuẩn đem trồng phải khỏe mạnh, xanh tốt, không sâu bệnh, không cụt ngọn, bộ rễ phát triển đầy đủ và còn nguyên bầu. Chiều cao cây từ 20 - 30 cm, bắt đầu vươn ngọn leo. Để đảm bảo quá trình bốc xếp, vận chuyển cây con không bị vỡ bầu, tổn thương nên chọn cây con đã được đảo bầu, phân loại và giảm tưới trước khi xuất vườn.

- Làm đất, đào hố đúng kích thước 40 x 40 x 40 cm và lấp hố, bón lót phân trước khi trồng. Lượng phân sử dụng bón lót là 0,5 kg phân chuồng hoai mục và 0,2 kg phân NPK. Vì đây là cây dược liệu lấy củ nên tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ khi làm đất, xử lý thực bì. Để ba kích tím sau trồng đạt tỷ lệ sống cao, cần ưu tiên trồng ba kích tím xen trong vườn cây ăn quả đã có tán. Mật độ trồng ba kích tím xen dưới tán cây ăn quả áp dụng là cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 2,5 m.

- Chăm sóc: Cần đặc biệt quan tâm khâu làm cỏ, xới đất. Trong 2 năm đầu trồng, để cây sinh trưởng phát triển tốt tiến hành làm cỏ xới đất 4 lần/năm. Ngoài ra còn bón lót thêm phân NPK5.10.3 với lượng 0,2 kg/cây/năm. Thời gian bón tốt nhất là vào giai đoạn đón mùa sinh trưởng của cây, tức là vào lần chăm sóc tháng 3 - 4 hàng năm. Tương tự như làm cỏ trước khi trồng, những lần làm cỏ chăm sóc này cũng tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ mà làm cỏ hoàn toàn bằng tay. Trong 2 năm đầu khi cây còn bé nên làm cỏ, xới đất thường xuyên vừa tránh cạnh tranh dinh dưỡng, giúp đất tơi xốp tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi và giúp vệ sinh vườn trồng, hạn chế tình trạng nấm bệnh phát sinh, phát triển. Qua quan sát rễ ba kích không ăn sâu, vì vậy nếu không làm cỏ thường xuyên mà để cỏ lên quá cao khi nhổ cỏ có thể ảnh hưởng đến bộ rễ của ba kích, từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây…

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ