Thử nghiệm ương cá chẽm giống (Lates calcarifer Bloch, 1790) cỡ 3-10cm trên bể composite ở các mật độ khác nhau
Nghiên cứu: “Thử nghiệm ương cá chẽm giống (Lates calcarifer Bloch, 1790) cỡ 3-10cm trên bể composite ở các mật độ khác nhau” do nhóm tác giả: Trần Văn Nhiên, Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Hữu Thanh - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Bên cạnh sự phát triển của các đối tượng tôm nước lợ, cá chẽm (Lates calcarifer Bloch, 1790) là một trong những đối tượng có tiềm năng phát triển nuôi mạnh ở Việt Nam vì đặc tính dễ nuôi và thời gian sinh trưởng ngắn. Theo Trần Ngọc Hải và ctv., (2013), lồng nổi bằng lưới có kích thước là 5 x 5 x 3 m, 10 x 10 x 3 m, mắt lưới là 2,5 cm thích hợp cho cá giống có kích cỡ 10 – 15 cm, mật độ nuôi từ 10 – 15 con/m2 cho năng suất khoảng 8 – 15 kg/m2 lồng. Hiện nay, cá chẽm giống được sản xuất chủ yếu ở miền Nam như Vũng Tàu; Nam Trung Bộ như Nha Trang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…(Nguyễn Duy Huỳnh Trâm & Nguyễn Khoa Huy Sơn, 2018). Mặc dù đã có thể cho sinh sản nhân tạo và sản xuất một lượng đáng kể cá bột (2 – 3 cm) nhưng việc ương nuôi đến cỡ lớn để thả nuôi trong ao (6 – 8 cm) hay thả nuôi trong lồng (8 – 10 cm) thì rất ít cơ sở sản xuất được sản lượng lớn. Nguyên nhân có thể là do: kích thước cá quá nhỏ để có thể ương trong lồng lưới, khó quản lý khi ương trong ao đất hoặc chi phí sản xuất cao nếu sử dụng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn (Hoàng Tùng và ctv., 2007). Ngoài ra, việc kiểm soát tỷ lệ phân đàn, hiện tượng ăn nhau và dịch bệnh trong quá trình ương đóng vai trò quan trọng. Cũng theo Hoàng Tùng và ctv., (2007), ương cá chẽm bằng mương nổi đặt trong ao đất từ 5 – 10 cm với 53,4% do bị copepod ký sinh. Quá trình ương con giống cá chẽm bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như môi trường, thức ăn và đặc biệt là mật độ ương do cá chẽm sống theo bầy đàn và cạnh tranh với nhau. Chính vì điều này, sự chêch lệch về chiều dài, khối lượng trong quần đàn luôn xuất hiện, điều này còn dẫn đến suy giảm tỷ lệ sống do hiện tượng ăn lẫn nhau. Do đó, thử nghiệm này được thực hiện, nhằm xác định mật độ phù hợp để ương cá chẽm giống từ 3 cm lên 10 cm đạt hiệu quả cao, phục vụ cho nghề nuôi được thuận lợi.
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định mật độ ương cá chẽm (Lates calcarifer Bloch, 1790) giống phù hợp từ cỡ 3 – 10 cm trên bể composite 10m3 . Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD), gồm 3 nghiệm thức mật độ khác nhau và lặp lại 3 lần: 300 con/m3 (D300), 500 con/ m3 (D500) và 700 con/m3 (D700). Cá giống có chiều dài và khối lượng trung bình ban đầu lần lượt là 3,50 ± 0,01 cm và 1,52 ± 0,01 g/con. Chế độ chăm sóc được áp dụng theo quy trình phổ biến hiện nay.
Kết quả sau 45 ngày ương, các thông số môi trường nuôi đều nằm trong khoảng cho phép sự phát triển tốt của cá chẽm giống. Nghiệm thức D300 cho thấy tăng trưởng về chiều dài (10,71 ± 0,03 cm), khối lượng (10,44 ± 0,09 g/con), tỷ lệ sống (96,45 ± 0,39%) và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (1,57 ± 0,02) tốt nhất và khác biệt có ý nghĩa (p < 0,05) so với nghiệm thức D500 (chiều dài trung bình = 9,47 ± 0,11 cm; trọng lượng trung bình = 9,68 ± 0,09 g/con; tỷ lệ sống = 94,00 ± 1,00%; FCR = 1,64 ± 0,01) và D700 (chiều dài trung bình = 9,26 ± 0,04 cm; trọng lượng trung bình = 9,29 ± 0,18 g/con; tỷ lệ sống = 94,36 ± 1,91%; FCR = 1,65 ± 0,02). Việc ương cá chẽm giống từ 3 – 10 cm trên bể composite với mật độ trên 700 con/m3 khi cỡ cá dưới 5 cm và 300 - 500 con/m3 khi cá đạt cỡ trên 5 cm nên được áp dụng phổ biến. Ngoài ra, tỷ lệ phân đàn và thời gian lọc phân cỡ khi ương ở các mật độ cao hơn cần được thảo luận thêm.
ntdinh
Tạp chí nghề cá sông cửu long số 15/2019