Chất lượng giáo dục và đào tạo tác động đến mức độ hài lòng của học sinh
Hiện nay, chất lượng giáo dục và đào tạo cấp trung học phổ thông (THPT) mang tính chất quan trọng, nó quyết định chất lượng và kết quả đạt được để học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có được năng lực phù hợp mà chọn trường Đại học, Cao đẳng cho bản thân. Vì thế việc đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo tại trường THPT công lập đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà trường.
Ở Việt Nam, việc đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo ở các trường THPT dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Nó bao gồm quy trình đánh giá trong (do các trường tự đánh giá) và đánh giá ngoài (do đoàn kiểm tra đánh giá), quy trình này tốn khá nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn về hồ sơ, tài liệu minh chứng. Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo chưa có sự tham gia tích cực của các bên có liên quan như học sinh và phụ huynh và lấy ý kiến phản biện từ các nhà nghiên cứu liên quan. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian qua ở Việt Nam chưa hoàn toàn toàn diện. Mặc dù, phương pháp đánh giá này được áp dụng rộng rãi nhưng trong thực tế việc làm này chưa đạt được tính thống nhất vì nó phụ thuộc vào cá nhân được đánh giá và các mặt liên quan trong suốt quá trình đánh giá. Ngoài ra, việc đánh giá còn phụ thuộc, khác nhau ở từng quốc gia hay từng khu vực.
Việc nghiên cứu vai trò của chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn có những khoảng trống nhất định tại Việt Nam. Để lấp đầy các khoảng trống đó, nhóm tác giả Nguyễn Phương Thúy và Nguyễn Văn Phương (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiến hành khảo sát thực tế 372 học sinh tại các trường THPT trên địa bàn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để xem xét sự tác động của chương trình giảng dạy, khả năng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cơ sở vật chất trường học và chất lượng chuyên môn của giáo viên đến sự hài lòng của học sinh về chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Từ kết quả khảo sát thực tiễn, nghiên cứu này đề ra một số hàm ý quản trị để nâng cao sự hài lòng của học sinh đối với chất lượng giáo dục và đào 9 tạo của Nhà trường.
Kết quả phân tích hồi quy cho thấy cách tổ chức quản lý đào tạo của Nhà trường và cơ sở vật chất có tác động tích cực đến sự hài lòng của học sinh. Ngoài ra, chương trình giảng dạy và khả năng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh có tác động chưa thật sự tích cực đến sự hài lòng của học sinh. Nhìn chung, kết quả giúp các nhà quản lý nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học sinh, từ đó xây dựng cho đơn vị mình một chương trình giảng dạy phù hợp hướng đến mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao uy tín cho Nhà trường.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(2), 84-99.
pcmy
Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (pcmy)