SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhật thực hình khuyên nhìn từ vũ trụ xuống trái đất

[25/06/2020 09:27]

Một phi hành gia NASA sống và làm việc trong không gian và một loạt các vệ tinh thời tiết đều đã chụp và quay lại sự kiện hiếm gặp khi bóng của mặt trăng đi qua bề mặt Trái đất trong ngày nhật thực hình khuyên 21-6 vừa qua.

Phi hành gia của NASA Chris Cassidy đã chia sẻ bốn bức ảnh về nhật thực hình khuyên khi nhìn từ Trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 21-6. Ảnh: NASA.

"Chúng tôi đã có tầm nhìn cực kỳ tuyệt vời về nhật thực hình khuyên ngay phía mạn phải của tàu vũ trụ khi chúng tôi bay qua Trung Quốc sáng 21-6", phi hành gia NASA Chris Cassidy viết trên Twitter.

Hình ảnh nhật thực do phi hành gia của NASA Chris Cassidy chia sẻ từ Trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 21-6. Ảnh: NASA.

"Vòng lửa" hoặc nhật thực hình khuyên xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa mặt trời và Trái đất. Nhưng, không giống như trong nhật thực toàn phần, mặt trăng không đủ gần Trái đất để chặn tất cả mặt trời.

Thay vào đó, một vòng mỏng vành đĩa mặt trời vẫn có thể nhìn thấy xung quanh bóng của mặt trăng ngay cả ở lúc cực điểm của nhật thực, do đó nhật thực hình khuyên trở thành biệt danh của hiện tượng này.

Nhưng từ không gian, nhật thực hình khuyên xuất hiện rất giống với nhật thực toàn phần, và phi hành gia và các vệ tinh quan sát Trái đất có thể phát hiện ra hiện tượng này bằng cách “tìm kiếm một bóng tròn nhảy múa trên bề mặt Trái đất”.

Đó chính xác là những gì Cassidy, một trong năm phi hành gia đang sống và làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế nhìn thấy từ vị trí thuận lợi.

Nhật thực ngày 21-6 được chụp qua vệ tinh thời tiết Elektro-L No.2 của Nga.

Các góc nhìn không gian khác của nhật thực cho thấy hình ảnh ở một vị trí cao hơn nhiều về những gì đã xảy ra. Chẳng hạn, vệ tinh thời tiết Elektro-L No.2 của Nga đã phát hiện ra bóng của mặt trăng đi qua Trái đất trong sự kiện này. Theo một tuyên bố từ cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, vệ tinh này đã ra mắt vào năm 2015 và là một trong ba trạm giám sát giống hệt nhau, nằm ở độ cao 22.000 dặm (36.000 km) so với Trái đất.

Nhật thực chỉ là cái bóng lướt qua của mặt trăng lên bề mặt Trái đất trong quan sát của vệ tinh Himawari-8 của Nhật Bản.

Các vệ tinh thời tiết khác cũng quan sát nhật thực. Vệ tinh Himawari-8 của Nhật Bản và Meteosat-8 của châu Âu đã lần theo bóng của mặt trăng trên khắp châu Á và châu Phi.

Nhật thực hình khuyên qua vệ tinh Meteosat-8 của châu Âu.

Hoàng Thảo (Theo Space)

www.nhandan.com.vn (vtvanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ