SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mỹ "đặt cược" vào ba ứng cử viên vaccine Covid-19 dẫn đầu

[29/07/2020 08:07]

Để có vaccine phòng Covid-19 sớm nhất có thể, Mỹ đã đầu tư số tiền hàng tỷ USD để "đặt cược" vào những nhà phát triển vaccine hàng đầu của Đức, Anh và Mỹ. Hiện trong số sáu loại vaccine đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối cùng, có ba loại vaccine đặt hàng của Mỹ.

Mỹ đã bỏ ra hàng tỷ USD để đặt hàng những ứng cử viên vaccine hàng đầu. Ảnh: Scitechdaily.

Hơn sáu tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên cảnh báo thế giới về bệnh viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán (Trung Quốc), WHO cho biết có 166 loại vaccine đang được phát triển để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Hầu hết các vaccine đang trong giai đoạn tiền lâm sàng, có nghĩa là vẫn đang được thử nghiệm trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm, nhưng một số ít trong số đó đã đạt được thử nghiệm trên người ở các giai đoạn khác nhau. WHO cho biết có 25 loại vaccine tiềm năng trong các thử nghiệm lâm sàng trên phạm vi quốc tế.

Trong đó, có sáu ứng cử viên vaccine virus SARS-CoV-2 đang trải qua thử nghiệm giai đoạn 3. Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu kiểm tra hiệu quả của vaccine, đồng thời theo dõi các phản ứng ở hàng trăm đến hàng nghìn tình nguyện viên. Mỹ đã đặt cược hơn 4 tỷ USD để sở hữu những liều vaccine đầu tiên của ba ứng cử viên hàng đầu dưới đây.

Vaccine của Anh nhắm đích đến vào tháng 10

Thử nghiệm vaccine Covid-19 do Đại học Oxford thực hiện. Ảnh: Shutterstock.

Vaccine có tên gọi là ChAdOx1 nCoV-19, thường được gọi là vaccine Oxford, do trường đại học Anh phối hợp với công ty dược phẩm đa quốc gia Anh-Thụy Điển AstraZeneca phát triển. 

Vaccine được chế tạo từ một phiên bản suy yếu của loại virus cảm lạnh thông thường, được gọi là adenovirus, lây nhiễm cho tinh tinh. Các nhà nghiên cứu đã biến đổi gen để virus không thể sao chép ở người và thêm gen để mã hóa protein tăng đột biến mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để lây nhiễm vào tế bào người. Về lý thuyết, vaccine sẽ dạy cơ thể nhận ra những đột biến này, để khi một người bị phơi nhiễm, hệ thống miễn dịch có thể phá hủy nó.

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 13-5, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại vaccine này trên khỉ và thấy rằng nó không ngăn được khỉ bị nhiễm bệnh khi cố tình tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, nhưng đã ngăn chúng phát triển bệnh viêm phổi.

Vào tháng 4, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm vaccine trên người và công bố kết quả giai đoạn 1.

Vào ngày 20-7, trên tạp chí y học The Lancet, nhóm nghiên cứu vaccine công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 2. Vaccine không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở người tham gia nhưng đã gây ra một số tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như đau cơ và ớn lạnh. Vaccine thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các tế bào T đặc hiệu chống virus SARS-CoV-2, vô hiệu hóa các kháng thể, hoặc các phân tử có thể bám vào virus và ngăn chặn nó khỏi các tế bào lây nhiễm.

Các thử nghiệm ở giai đoạn 3 đã bắt đầu ở Brazil và sẽ tuyển tới 5.000 tình nguyện viên. Một thử nghiệm giai đoạn 3 khác dự kiến sẽ tuyển thêm 10.500 người ở Anh và 30.000 ở Mỹ. 

Theo The Guardian, nhóm nghiên cứu tại Oxford cũng bày tỏ sự quan tâm trong việc thực hiện các nghiên cứu thử thách trên người, có nghĩa là họ sẽ cố tình lây nhiễm virus cho các tình nguyện viên có nguy cơ thấp.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) tuyên bố sẽ chi tới 1,2 tỷ USD cho AstraZeneca để đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine và giúp công ty sản xuất ít nhất 300 triệu liều vaccine nếu nó chứng minh an toàn và hiệu quả sớm nhất là vào tháng 10 tới. Theo HHS, đây là một phần của Chiến dịch Warp Speed của chính quyền Trump, một sáng kiến nhằm cung cấp 300 triệu liều vaccine an toàn và hiệu quả vào tháng 1-2021.

Các virus SARS-CoV-2 sử dụng protein tăng đột biến (nhìn thấy trên bề mặt của nó ở đây) để xâm chiếm các tế bào của con người. Ảnh: Shutterstock.

Vaccine Moderna của Mỹ thử nghiệm đợt cuối cùng vào ngày 27-7

Moderna đang phát triển vaccine chống virus SARS-CoV-2 dựa trên mRNA. Ảnh: Shutterstock.

Vaccine ứng cử viên mang tên mRNA-1273) do Công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) phát triển.

Vaccine của Moderna dựa trên một công nghệ chưa được sử dụng trong bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt. Nó chứa một đoạn mã di truyền mARN của SARS-CoV-2, mã hóa dạng ổn định trước khi bám vào màng tế bào của protein tăng đột biến (S-protein).

Theo National Geographic, các loại vaccine mRNA này có một số ưu điểm như nhanh hơn và dễ sản xuất hơn so với vaccine truyền thống vốn mất thời gian để phát triển và làm bất hoạt toàn bộ mầm bệnh hoặc protein của chúng. Vaccine mRNA cũng có thể bền bỉ hơn khi chống lại mầm bệnh có xu hướng đột biến như virus SARS-CoV-2 và virus cúm. Tuy nhiên, vaccine mRNA có thể gây ra phản ứng bất lợi trong cơ thể. 

Vaccine mRNA dạy cho các tế bào cách tạo ra protein tăng đột biến. Ảnh: Shutterstock.

Tuần trước, Moderna đã công bố trên Tạp chí Y học New England kết quả ban đầu đầy hứa hẹn từ một thử nghiệm giai đoạn 1 bao gồm 45 người tham gia. Những người tham gia được chia thành ba nhóm và được tiêm vaccine liều thấp, trung bình hoặc cao. Sau khi nhận được hai liều vaccine, tất cả những người tham gia đã phát triển các kháng thể trung hòa ở mức cao hơn mức trung bình của những người được tìm thấy ở bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. 

Vaccine có vẻ an toàn và thường dung nạp tốt, nhưng hơn một nửa số người tham gia có một số tác dụng phụ (tương tự như tác dụng phụ có thể xảy ra từ mũi tiêm cúm hàng năm) bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và đau tại chỗ tiêm. 

Theo báo cáo, một số người tham gia trong nhóm liều trung bình và cao bị sốt sau lần tiêm thứ hai. Một người nhận được liều cao nhất đã trải qua một cơn sốt cao, buồn nôn, chóng mặt và ngất xỉu. Nhưng người tham gia này cảm thấy tốt hơn sau một ngày rưỡi. Những liều cao như vậy sẽ không được tiêm cho những người tham gia thử nghiệm sắp tới.

Moderna đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 và bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 với 30.000 người tham gia vào ngày 27-7 và dự kiến sẽ hoàn thành thử nghiệm vào tháng 10.

Thử nghiệm sẽ được thực hiện tại các địa điểm nghiên cứu lâm sàng của Mỹ, dự kiến ​​sẽ tuyển sinh khoảng 30.000 tình nguyện viên trưởng thành không bị mắc Covid-19.

Nhờ sự hối thúc của Tổng thống Trump và sự làm việc chăm chỉ của các nhà khoa học Mỹ, vaccine do Moderna phát triển đã đạt được thử nghiệm giai đoạn 3 này với tốc độ kỷ lục, Bộ trưởng HHS Alex Azar cho biết. Các hoạt động của Warp Speed ​​đang hỗ trợ một danh mục vaccine ứng cử viên như Moderna để nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng đạt tiêu chuẩn vàng của FDA, các sản phẩm này có thể đến tay người Mỹ mà không bị chậm trễ một ngày.

Vào tháng 4, HHS, dưới Chiến dịch Warp Speed, đã cam kết chi tới 483 triệu USD cho việc phát triển nhanh vaccine của Moderna. Mới đây, Moderna thông báo đã nhận thêm 472 triệu USD từ Chính phủ Mỹ để phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, nâng tổng số tiền lên gần 1 tỷ USD.

Mỹ chi gần 2 tỷ USD “đặt cược” vào vaccine của Pfizer

Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia của Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech cùng phát triển một loại vaccine Covid-19.

Giống như Moderna, Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia của Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, đang phát triển một loại vaccine sử dụng RNA để thúc đẩy hệ thống miễn dịch nhận ra virus SARS-CoV-2.

Theo dữ liệu giai đoạn 1 và 2 được công bố trên cơ sở dữ liệu medRxiv ngày 1- 7 và chưa được đánh giá ngang hàng, vaccine không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào và có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch.

Nghiên cứu bao gồm 45 bệnh nhân được tiêm một trong ba liều vaccine thử nghiệm hoặc giả dược. Không ai trong số các bệnh nhân có tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng có một số tác dụng phụ như sốt (75% ở nhóm liều cao nhất), mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ và đau khớp. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vaccine đã thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể trung hòa ở mức cao gấp 1,8 đến 2,8 lần so với các loại được tìm thấy ở những bệnh nhân đã hồi phục. 

Sau đó, Pfizer đã công bố kết quả mới (trong một thông cáo báo chí, vì vậy kết quả không được đánh giá ngang hàng) rằng vaccine cũng thúc đẩy sản xuất tế bào T đặc hiệu chống lại virus SARS-CoV-2. 

Tuần qua, chính quyền Trump đã công bố một hợp đồng trị giá 1,95 tỷ USD với Pfizer và BioNTech để sản xuất ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay nếu nó được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Theo tờ New York Times, người dân Mỹ sẽ nhận được vaccine miễn phí. 

Trước đó, theo một tuyên bố, hai công ty đã công bố một thỏa thuận với Vương quốc Anh để cung cấp 30 triệu liều vaccine nếu nó hoạt động và được chấp thuận. 

Theo Times, Pfizer đang lên kế hoạch thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 quy mô lớn bắt đầu trong tháng này và xin xét duyệt kết quả vào đầu tháng 10.

Hải Phong (Theo Livescience, Scitechdaily)

nhandan.com.vn (vtvanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ