SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cảnh báo – lẩu tự sôi không rõ nguồn gốc rõ ràng có thể gây hại sức khỏe nên tránh dùng

[10/08/2020 08:48]

Hiện nay đang rộ lên trào lưu ẩm thực mới lạ là lẩu tự sôi tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, sản phẩm này không có nguồn gốc rõ ràng.

Lẩu tự sôi không rõ nguồn gốc giá ‘chát’ vẫn thi nhau mua dùng

Trào lưu đồ ăn vặt Trung Quốc nội địa giá rẻ chưa hết sốt thì gần đây, các món ăn tự sôi lại đang được nhiều người tìm mua. Đặc điểm chung của các món ăn này là được đóng sẵn trong các bao bì in chữ Trung Quốc, không phải nấu mà vẫn có thể tự chín.

Theo ghi nhận của Zing, những video ngắn về đồ ăn tự sôi xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội với hàng triệu lượt xem. Không chỉ có lẩu, bánh gạo cay, cơm mà cả trà sữa cũng có thể tự sôi.

Ảnh minh họa

Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội hoặc kênh bán hàng, dễ dàng tìm thấy hàng trăm bài đăng quảng cáo. Dù giá của một suất lẩu tự sôi không hề rẻ (dao động từ 120.000 đồng đến hơn 200.000 đồng), hàng trăm người vẫn đặt mua hàng.

Chị Thanh Phương (Hà Nội) cho biết, lẩu tự sôi đang là loại đồ ăn nhanh bán chạy nhất hiện nay. Đối tượng mua hàng nhiều nhất là các bạn trẻ và dân văn phòng. Chị Hương trực tiếp nhập hàng qua các kênh bán hàng Trung Quốc, mỗi ngày bán được khoảng 50 đơn.

Trào lưu đồ ăn tự sôi được cho là bắt nguồn từ một thần tượng nổi tiếng Trung Quốc. Người hâm mộ ráo riết tìm mua các sản phẩm được thần tượng tham gia quảng cáo. Sau đó, món ăn này được nhiều blogger “đập hộp”, trở thành hiện tượng của giới trẻ và dân văn phòng.

So với mặt bằng chung của các loại đồ ăn nhanh, mặt hàng này được cho là không hề rẻ. Nếu tính cả tiền vận chuyển, mỗi suất đầy đủ có giá trung bình vào khoảng 220.000 đồng. Với Thanh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội), số tiền đó hoàn toàn có thể mua được buffet lẩu tại nhà hàng hoặc tương đương với 4 suất cơm văn phòng.

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua đồ ăn tự sôi ủng hộ thần tượng. Trên các fanpage và hội nhóm, có nhiều bài viết kêu gọi mua hàng kèm theo đường link dẫn đến địa chỉ mua. Mỗi bài viết đều thu hút hàng trăm bình luận.

Lẩu tự sôi không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ gì?

Cũng theo khảo sát của Zing với một số đơn vị kinh doanh đồ ăn tự sôi online, không đơn vị nào cung cấp được ngày sản xuất và hạn sử dụng cho người mua. Câu trả lời chỉ mang tính chất chung chung: “Sản phẩm có thể để được từ 4-5 tháng từ ngày nhận”.

Chị Như (Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng khi thấy con gái mua lẩu tự sôi với nhãn mác Trung Quốc. Chị Như khẳng định không hề có ác cảm với hàng Trung Quốc nhưng bao bì in hoàn toàn bằng chữ nước ngoài, không dán thêm hướng dẫn tiếng Việt khiến chị không yên tâm.

Cùng nỗi lo lắng trên, anh Hùng còn cho rằng sản phẩm dù có nhiều người mua nhưng chưa được kiểm định về chất lượng. Theo anh, đồ ăn tự sôi chỉ được bán trên các kênh online mà không tìm thấy tại cơ sở, siêu thị uy tín nào. Trào lưu có thể đến và đi nhưng sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Trước đây đã từng bị ngộ độc vì các loại đồ ăn không đảm bảo nên tôi luôn cẩn trọng mỗi khi mua hàng.

Còn theo ghi nhận của báo ANTV, lẩu tự sôi là những sản phẩm được giới thiệu là hàng công ty có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có ghi chú bằng tiếng Việt nên rất khó để kiểm định chất lượng của những gói hoá chất. Thêm vào đó, tất cả nguyên liệu trong những hộp lẩu đều là thực phẩm chế biến sẵn nên việc sử dụng thường xuyên cũng không tốt cho sức khỏe.

Còn theo các chuyên gia dinh dưỡng, phương pháp gia nhiệt bằng gói tạo nhiệt không phải là cách làm mới khi từng được áp dụng trong quân đội để làm nóng thực phẩm. Gói tạo nhiệt này chứa bột magie được trộn với muối và bột sắt. Khi thêm nước, phản ứng hóa học sẽ diễn ra trong vài giây và đun sôi lượng nước này. Tuy nhiên, việc làm nóng này cần đảm bảo nguyên tắc các gói hóa chất được đóng gói kỹ càng để không có khả năng thôi nhiễm trong quá trình sử dụng. Cũng như dụng cụ có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao.

Trên thực tế, hiện nay các sản phẩm nêu trên khi nhập về Việt Nam trên bao bì không có ghi bằng tiếng Việt nên rất khó để kiểm định chất lượng của những gói hoá chất. Thêm vào đó, theo quan sát thông thường, phần chứa thực phẩm đều là nhựa thông thường nên rất có thể sẽ bị thôi nhiễm hóa chất trong quá trình làm chín thức ăn.

Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Trường Đại học Hoa Sen, cũng lưu ý những rủi ro từ hóa chất sẽ thôi nhiễm vào thực phẩm. Ông cho biết, hóa chất tiếp xúc với nước sinh ra nhiệt, khiến nước bốc hơi. Tuy nhiên hơi nước sinh ra, ngưng tụ trên nắp hộp hoặc vào thực phẩm thì không vấn đề. Nhưng mà các chất còn lại trong nước sẽ độc, ví dụ như sắt là kim loại nặng nếu không tan hay bốc hơi hết sẽ gây độc nếu ăn phải. Do đó cần tránh tiếp xúc trực tiếp giữa hóa chất, nước đun hoá chất với thức ăn.

Cũng theo vị chuyên gia này, những gói sản phẩm như lẩu tự sôi hay cơm tự sôi phải được đựng trong hộp nhựa tốt, không có chứa chất phụ gia, nếu không sẽ gây hại cho sức khỏe khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng không nên lạm dụng các loại sản phẩm này, bởi đây đều là thức phẩm chế biến sẵn.

Theo tcvn.gov.vn (Ha Linh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ