Quỹ NAFOSTED: Dự kiến sẽ có danh mục tạp chí mới vào tháng 9
Tám hội đồng khoa học chuyên ngành trong lĩnh vực KHTN&KT của Quỹ NAFOSTED hiện đang tranh luận và bàn thảo về việc lựa chọn danh mục các tạp chí quốc tế có uy tín mới. Dự kiến vào tháng 9 tới sẽ có danh mục này, TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ NAFOSTED cho biết.
Một số tạp chí quốc tế thuộc tập đoàn xuất bản Springer Nature. Nguồn: Springer Nature.
Đã thành thông lệ, Quỹ NAFOSTED căn cứ vào các bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế trong danh mục tạp chí quốc tế có uy tín thuộc cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus… làm tiêu chí đánh giá đầu vào – tiêu chí xét chọn các hồ sơ đề xuất tài trợ, và đánh giá đầu ra – tiêu chí nghiệm thu đạt hay không đạt của các đề tài được tài trợ kinh phí. Nếu yêu cầu đầu vào là bắt buộc phải có công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong vòng 5 năm thì với yêu cầu đầu ra là phải có ít nhất hai bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín (kèm một bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín). Trong trường hợp đề tài có bài báo trên tạp chí ISI có uy tín thì có thể thay thế cho hai bài báo thông thường. Đây cũng là một trong những nỗ lực để Quỹ khuyến khích các chủ nhiệm đề tài nâng cao chất lượng công bố từ đề tài do quỹ tài trợ.
Cũng với mục tiêu này, vào tháng 6/2020, Quỹ NAFOSTED đã mời tám hội đồng khoa học ngành bàn luận về danh mục các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành và cách loại bỏ các tạp chí kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu của các đề tài. TS. Đỗ Tiến Dũng cho biết, các hội đồng khoa học ngành đã đi đến thống nhất ban đầu: đề nghị các nhà khoa học không đăng bài báo trên các tạp chí chất lượng kém bắt buộc phải trả phí mới được đăng bài; các hội đồng khoa học ngành cần xem xét kỹ lưỡng chất lượng các tạp chí và nội dung các công trình công bố của các đề tài khi đánh giá hồ sơ đăng ký và đánh giá kết quả thực hiện các đề tài do Quỹ tài trợ; các hội đồng khoa học ngành và cơ quan điều hành Quỹ tiếp tục rà soát danh mục tạp chí có uy tín.
Hiện tại, các hội đồng ngành đang bàn luận để cập nhật, phân loại và xếp hạng, qua đó lập danh mục tạp chí mới. “Dự kiến đến tháng 9 thì Quỹ mới có thể có được danh mục này nhưng về cơ bản thì quan điểm của Quỹ và các hội đồng là dựa trên bảng cập nhật của Web of Science, Scopus…, loại bỏ các tạp chí kém chất lượng để hướng tới chất lượng công bố và đảm bảo sự nghiêm ngặt của khoa học”, TS. Đỗ Tiến Dũng nói.
Trong đợt bàn luận về danh mục tạp chí quốc tế có uy tín này, các hội đồng ngành có xem xét đến trường hợp của các tạp trí truy cập mở (open access) không? TS Đỗ Tiến Dũng cho biết, truy cập mở là một trong những xu thế xuất bản hiện nay của thế giới nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nhà khoa học ở các nước kém phát triển, có thể tiếp cận, tìm hiểu các công trình khoa học mới mà không phải mất phí truy cập. Trong nhiều phiên họp của các quỹ khoa học toàn cầu mà Quỹ tham gia đều có đề cập đến xu hướng này và coi đó là một hình thức xuất bản cần được hỗ trợ, thúc đẩy. Tuy nhiên, thế giới đang thảo luận về việc phân loại tạp chí truy cập mở có bình duyệt và truy cập mở ngụy tạo, “săn mồi” chỉ quan tâm đến việc thu phí xuất bản nhưng lại sơ sài trong bình duyệt. Do đó, Quỹ cũng ứng xử với tạp chí truy cập mở theo cách như vậy.
Do hiện tại chưa có danh mục tạp chí quốc tế có uy tín mới nên việc áp dụng các tiêu chí đánh giá hồ sơ xét duyệt tài trợ đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHTN và kỹ thuật đợt 1 năm 2020 vẫn được các hội đồng ngành tiến hành dựa trên danh mục tạp chí ban hành ngày 9/8/2019. Khi nghiệm thu các đề tài trên cơ sở các bài báo là kết quả của đề tài, các hội đồng sẽ dựa trên danh mục tạp chí có hiệu lực vào thời điểm nghiệm thu. .
Trong đợt xét duyệt này, có 178 đề tài được xét duyệt tài trợ, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là ngành vật lý 51 đề tài, tiếp theo là hóa học 31 đề tài; cơ học 22; khoa học sự sống – sinh học nông nghiệp 18; khoa học trái đất và môi trường 16; toán học, khoa học thông tin và máy tính 15; khoa học Sự sống – Y sinh Dược học 10.