Truy xuất nguồn gốc – tiêu chuẩn bắt buộc vì lợi ích người tiêu dùng
Hiện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì lợi ích của người tiêu dùng.
Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng càng muốn biết nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc... Do đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm xảy ra khá nhiều với mức độ ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng lớn tới thương mại giữa Việt Nam và các nước, cũng như người tiêu dùng. Trong thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc nhưng lại lấy xuất xứ Việt Nam, mặc dù các sản phẩm đó được nhập khẩu từ nước khác.
Đánh giá về thực trạng nhiều cơ sở sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhưng chỉ cung cấp những thông tin rất đơn giản, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN) cho biết, ở Việt Nam, hoạt động truy xuất nguồn gốc được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, ví dụ: ISO 9000, ISO 22005… Thế nhưng, hoạt động truy xuất nguồn gốc còn mang tính khép kín, chưa thống nhất và “loạn tem”… Nguyên nhân do tem truy xuất chưa thống nhất về nội dung, hình thức; sự truy xuất mới chỉ là mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong hệ thống đơn vị đó, chưa có tính mở để kết nối với bên ngoài. Cuối cùng, chưa có quy định về trách nhiệm của các bên liên quan.
“Theo tôi, quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc cần phải thực hiện các bước: Thứ nhất, cần khảo sát, thu thập thông tin cần truy xuất nguồn gốc; Thứ hai, thiết lập thông tin dữ liệu về truy xuất nguồn gốc; Thứ 3, đơn vị cung cấp giải pháp phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm: nội dung thiết lập dữ liệu, chức năng lưu giữ, chức năng sử dụng dữ liệu...; Thứ 4, sau khi xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đào tạo các đơn vị thực hiện theo hệ thống phần mềm; Thứ năm, đưa vào vận hành thực hành”, bà Hương nêu quan điểm.
Để hoạt động truy xuất nguồn gốc phát huy vai trò minh bạch thông tin, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng trên thị trường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu lãnh đạo Bộ kí, ban hành kế hoạch triển khai đề án 100. Kế hoạch tập trung 5 nhiệm vụ giải pháp, cụ thể: Hoàn thiện văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để đảm bảo hoạt động truy xuất nguồn gốc có hiệu quả; thúc đẩy hoạt động hợp tác liên quan đến truy xuất nguồn gốc và thiết lập xây dựng, vận hành cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia.
Tổng cục đã và đang phối hợp với các công ty giải pháp, nghiên cứu công nghệ mới trong đó có Blockchain, IoT, bigdata… Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia, trước mắt là nhóm rau, củ quả…
Còn dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đại Dương – Giám đốc Công ty TNHH VN Trade kiến nghị cần có quy định cụ thể về các đơn vị có năng lực kiểm tra, đánh giá về truy xuất nguồn gốc cũng như thực hiện đúng quy trình đánh giá về truy xuất nguồn gốc. Khi tất cả mọi quy định đều rõ ràng, bắt buộc mọi người làm theo, có sự giám sát của cơ quan nhà nước lúc đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam sẽ diễn ra thuận lợi, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị cao do chất lượng đã được chứng minh. Điều này còn làm nên thương hiệu hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Thanh Tùng