SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nguy cơ nhiễm độc chì trong máu ở trẻ em các nước đang phát triển

[07/09/2020 10:57]

Khoảng 800 triệu trẻ em, chủ yếu ở các nước đang phát triển, đang đối diện với nguy cơ nhiễm độc chì trong máu.

Trẻ em tị nạn Rohingya chơi gần một đường ống nước. Các nước kém phát triển và những người có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao hơn. Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Images.

Nghiên cứu mới của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (Washington, Mỹ) phát hiện ra rằng, trên thế giới, trung bình cứ ba trẻ em thì có một trẻ em có nồng độ chì trong máu ở mức về lâu dài có thể gây tổn hại đáng kể cho sức khỏe. Theo báo cáo, khoảng 800 triệu trẻ em và thanh niên dưới 19 tuổi có nồng độ chì trong máu bằng hoặc cao hơn 5 microgam/deciliter (5μg/dl).

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, không có một ngưỡng an toàn nào đối với việc phơi nhiễm chì, bởi ngay cả khi nồng độ chì trong máu thấp, nó vẫn là một chất độc nguy hiểm. Tuy vậy, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ xem mức trên 5μg/dl là một vấn đề đáng báo động.

Chì đã bị loại bỏ dần trong xăng dầu, sơn và đường ống dẫn nước trong nhiều thập kỷ qua vì nó nguy hiểm đối với hệ thần kinh, nếu tiếp xúc nhiều có thể dẫn đến tử vong. Nhiễm độc chì ở nồng độ thấp hơn có thể dẫn đến các triệu chứng từ đau đớn, môn nửa, co giật đến chậm phát triển; các bệnh tâm thần, rối loạn tâm trạng; thậm chí có thể khiến trẻ bị sinh non.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi phơi nhiễm với chì, nó gây tổn thương não và hệ thần kinh đang phát triển. Những tổn thương này không bộc lộ ra ngoài ngay lập tức mà tích tụ dần theo thời gian. Chì xâm nhập vào cơ thể con người, gây tổn thương các cơ quan quan trọng, bao gồm thận, tim và phổi.

Richard Fuller, thành viên tổ chức phi chính phủ Pure Earth, người tham gia thực hiện nghiên cứu, cho biết mọi người thường không nhận thức được sự nguy hiểm của chì, dù cách đây nhiều thập kỷ đã có những chiến dịch loại bỏ chất độc này khỏi đời sống thường nhật, đặc biệt là ở các nước phát triển. Theo ông, chì ở mức 5μg/dl máu có thể làm giảm chỉ số IQ của một đứa trẻ, làm tăng gấp đôi mức độ bạo lực trong xã hội. Nó cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ước tính mỗi năm có khoảng 900.000 ca tử vong có liên quan đến nhiễm độc chì.

Ông cho biết, đã có khoảng 30 công trình nghiên cứu liên kết nồng độ chì cao với xu hướng hành vi bạo lực của con người. Những công trình này đã cung cấp đầy đủ chứng cứ để các nhà khoa học đưa ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng ô nhiễm chì với các hành vi bạo lực.

Các nguồn gây nhiễm độc chì

Trước đây, các nhà khoa học Mỹ cho rằng 10μg/dl là ngưỡng nguy hiểm, nhưng vào năm 2012 họ đã thay đổi mức này thành 5μg/dl khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ở nồng độ thấp hơn chì vẫn có thể gây ra các ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì là việc thải bỏ ắc-quy ô tô - vốn sử dụng chì và axit để tạo ra điện tích. Ắc-quy ô tô chiếm 85% lượng chì được sử dụng trên toàn cầu. Nếu xử lý an toàn, chúng ít gây rủi ro, nhưng ở nhiều quốc gia, khoảng một nửa số ắc-quy ô tô được tái chế mà không có các biện pháp phòng ngừa an toàn. Nếu không được xử lý cẩn thận, một lượng lớn chì và các hợp chất của nó sẽ tràn ra ngoài, gây ngộ độc cho những người tiếp xúc, cũng như làm ô nhiễm đất trong nhiều năm.

Một người đàn ông ở Tegal, Indonesia, đang dùng búa đập vỡ những cục pin cũ để lấy chì bên trong. Việc thải bỏ ắc-quy ô tô không đúng cách là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc chì. Ảnh: Larry C Price/Pure Earth.

Một nguyên nhân khác là việc sử dụng các hợp chất chì, chẳng hạn như oxit chì và cromat chì, làm phụ gia thực phẩm, giúp cho gia vị có màu sắc sặc sỡ hơn. Báo cáo cho biết, Ấn Độ, Bangladesh, Georgia, Balkan, bắc Phi và châu Phi cận Sahara là những khu vực sử dụng phổ biến các hợp chất chì này.

Trẻ em ở các nước phát triển cũng có nguy cơ mắc bệnh từ các nguồn như ống nước cũ, sơn nhiễm chì và đất bị ô nhiễm. Ở Mỹ, trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo hơn và chỗ ở dột nát có nguy cơ cao hơn. Ở Anh, khoảng 200.000 trẻ em có thể bị ảnh hưởng, theo Unicef.

Năm 2018, Anh đã quyết định ngừng tiến hành kiểm tra mức độ chì trên toàn quốc, khiến các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc đánh giá đâu là khu vực mà trẻ em và phụ nữ dễ bị nhiễm độc chì nhất. Ngoài ra, chính phủ Anh vẫn coi 10μg/dl là ngưỡng đáng lo ngại với trẻ em và phụ nữ mang thai; dù vậy, họ có thể sẽ thay đổi quan điểm của mình vào cuối năm nay.

Anh Thư

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ