Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (HIPOC) – Phiên họp về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)
Ngày 02/9/2020, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố bản Báo cáo GII năm 2020 với chủ đề “Thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo”. Trong bối cảnh đó, phiên họp lần này của HIPOC cũng tập trung vào vấn đề thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị HIPOC từ đầu cầu Hà Nội, Việt Nam.
Tiếp theo hai phiên họp ngày 23 và 30/7/2020, Việt Nam đã tiếp tục tham dự phiên họp thứ ba của Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (HIPOC) với chủ đề về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), diễn ra vào ngày 04/9/2020.
Ngày 02/9/2020, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố bản Báo cáo GII năm 2020 với chủ đề “Thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo”. Trong bối cảnh đó, phiên họp lần này của HIPOC cũng tập trung vào vấn đề thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo, cụ thể hơn là các chính sách thu hút đầu tư, bao gồm chuyển giao công nghệ dựa trên sở hữu trí tuệ và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh lãnh đạo các cơ quan sở hữu trí tuệ trong khu vực, phiên họp lần này được mở rộng cho cả đại biểu cấp cao đến từ các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo các nước. Theo ghi nhận của Ban tổ chức, đã có hơn 150 đại biểu tham dự thông qua nền tảng trực tuyến của Hội nghị. Về phía Việt Nam, ông Lê Ngọc Lâm đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị từ đầu cầu Hà Nội. Tham dự Hội nghị còn có Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và một số viện nghiên cứu, trường đại học thành viên của mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISCs) của Việt Nam.
WIPO và các quốc gia tham dự Hội nghị HIPOC từ đầu cầu các nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia WIPO, đồng tác giả của báo cáo GII khẳng định, hiện nay khả năng tiếp cận đầu tư cho đổi mới sáng tạo có sự chênh lệch rõ rệt giữa các quốc gia, khu vực, cũng như giữa các lĩnh vực với nhau. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát kéo theo sự bất ổn về kinh tế cũng gây ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung trên toàn cầu. Nhiều trung tâm, cơ sở nghiên cứu khoa học phải đóng cửa, không ít dự án nghiên cứu phải dừng lại một cách dang dở; nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ, phải cắt giảm giờ làm. Tuy nhiên, tình hình đầu tư cho đổi mới sáng tạo cũng đã dần khả quan trở lại tại một số nước như Singapore, Israel, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ.
Chuyên gia WIPO cũng chỉ ra rằng, theo Báo cáo GII năm 2020, khu vực Nam Á và Đông Nam Á có một số quốc gia đạt hiệu quả tốt trong việc thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo như Singapore, Malaysia và Nepal. Bên cạnh đó, một số nước đạt đầu ra đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn kỳ vọng so với chỉ số đầu vào, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Đồng thời, chuyên gia WIPO nhấn mạnh rằng hoạt động đổi mới sáng tạo các nước đang có xu hướng dịch chuyển từ số lượng sang chất lượng, tiêu biểu kể đến Singapore, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan.
Thứ hạng trong Báo cáo GII năm 2020 của các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á (Nguồn: WIPO).
Theo Báo cáo GII năm 2020, Việt Nam duy trì thứ hạng số 42 trong 131 nền kinh tế được xếp hạng. Trong Báo cáo năm nay, WIPO có nhấn mạnh một số điểm về kết quả của Việt Nam, cụ thể: Việt Nam có vị trí cao nhất trong số 29 nền kinh tế có thu nhập ở mức trung bình thấp; Việt Nam xếp thứ 9 trên 17 nền kinh tế khu vực Đông Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương; các chỉ số về đầu ra đổi mới sáng tạo của Việt Nam là tốt hơn so với các chỉ số về đầu vào; một số chỉ số có bước phát triển lớn như chỉ số về hợp tác giữa viện trường – doanh nghiệp, chỉ số về tình trạng phát triển cụm khoa học công nghệ hay chỉ số về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)./.
Cục Sở hữu trí tuệ