SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lên phương án test nhanh nCoV khi Việt Nam “mở cửa” trở lại

[14/09/2020 09:38]

Các chuyên gia đề xuất xây dựng quy trình kiểm soát người nhập cảnh, sử dụng xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể và RT-PCR giám sát nguồn nhiễm nCoV.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại cuộc họp chiều 7/9. Ảnh: Chí Kiên.

Chiều 7/9, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc cùng đại diện Bộ Y tế, các đơn vị sản xuất kit xét nghiệm nCoV, viện nghiên cứu... để bàn các phương án đảm bảo việc sử dụng sinh phẩm kiểm tra nhanh. Yêu cầu đặt ra đảm bảo thời gian ngắn, chính xác, giá thành hợp lý đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đề nghị các nhà khoa học và chuyên gia đề xuất các phương án xét nghiệm, đảm bảo việc không bỏ sót nguồn nhiễm nCoV lây ra cộng đồng khi Việt Nam mở cửa các đường bay quốc tế sắp tới.

Theo cáo cáo của Bộ Y tế, đến nay FDA Hoa Kỳ đã phê duyệt danh mục gồm 176 sinh phẩm phát hiện nCoV, bao gồm 130 sinh phẩm RT-PCR; 40 sinh phẩm miễn dịch (phát hiện kháng thể); 1 sinh phẩm RT-LAMP; 4 sinh phẩm nhanh kháng nguyên và 1 sinh phẩm giải trình tự gene.

Tại Việt Nam có 4 loại sinh phẩm, gồm 2 loại kit sử dụng kỹ thuật phát hiện kháng thể kháng nCoV trong máu của bệnh nhân Covid-19 và 2 loại dùng kỹ thuật công nghệ sinh học (RT-PCR) và RT-LAMP để phát hiện virus nCoV. Trong số này có 3 loại được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Ngoài ra còn một số đơn vị nghiên cứu thành công kit RT-PCR phát hiện ARN của virus nCoV, nhưng chưa được cấp phép sử dụng như Viện Công nghệ sinh học, Trường đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên, Viện nghiên cứu gene và tế bào gốc Vinmec.

Các đơn vị sản xuất đều khẳng định việc đảm bảo đủ nguồn cung sinh phẩm để xét nghiệm nCoV, công suất lên tới hàng chục nghìn test một ngày. Vì vậy vấn đề còn lại là sử dụng phương pháp xét nghiệm nào để kết hợp nhanh, rẻ và chính xác.

Các chuyên gia phân tích, khi Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế, yêu cầu đặt ra lớn nhất là phải đảm bảo xét nghiệm nhanh. Về yếu tố này, kit phát hiện nhanh kháng nguyên và kháng thể nCoV có thể đảm bảo. Nhược điểm là không chính xác và không có ý nghĩa chẩn đoán. Ở phương pháp này phù hợp đối với những trường hợp nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng. Tuy nhiên, sau đó vẫn cần phải xét nghiệm lại bằng RT-PCR mới khẳng định chính xác trường hợp âm hay dương tính với nCoV.

Ông Vũ Đình Hiệp, Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, đơn vị đang phối hợp cùng Học Viện Quân y sản xuất kit RT-PCR cho rằng, trong trường hợp tìm kiếm các ca nhiễm sót ngoài cộng đồng, test nhanh (kháng nguyên, kháng thể) sẽ phát huy tác dụng. Nhưng để đảm bảo không "lọt lưới" thì phương pháp real-time PCR tin cậy hơn.

Ông Hiệp đề nghị trước mắt có thể đặt phòng Lab ngay tại ba sân bay lớn gồm Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng và cửa khẩu. Hiện nay nhiều bệnh viện dã chiến đã có Lab và có thể sử dụng phương pháp trộn mẫu. Theo tính toán, giá xét nghiệm một mẫu là 20 USD (test nhanh là 17,5 USD một mẫu). "Nếu trộn 5 mẫu như nhiều địa phương đã làm, giá chỉ còn 4 USD/mẫu. Nếu theo cách tổ chức này riêng Việt Á có thể đáp ứng cả test thử và máy chạy đảm bảo xử lý 50.000 mẫu trong một ngày (5.000 mẫu cho một giờ)", ông Hiệp nói.

GS.TS Lê Bách Quang, Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước cho rằng, việc quyết định sử dụng phương pháp nào thuộc về các nhà quản lý. Tuy nhiên ông mong muốn các đơn vị sản xuất trong nước cùng ngồi lại với nhau để xây dựng một sản phẩm mang tầm quốc gia đảm bảo đủ ba yếu tố (nhanh, rẻ, chính xác) chứ không riêng doanh nghiệp nào.

Đại diện Cục Y tế dự phòng Cục Khoa học công nghệ và Đào Tạo (Bộ Y tế) thì mong muốn các nhà khoa học, đơn vị sản xuất cùng tính toán lại để tạo ra kit thử tăng độ nhạy, độ đặc hiệu, đảm bảo sàng lọc không bỏ sót ca bệnh. Bộ Y tế cũng xây dựng quy trình chuẩn trong tình hình mới trình Chính phủ, đảm bảo thực hiện các xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm các ca nhiễm, nghi nhiễm, tránh lây lan cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, các ý kiến góp ý sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Chính phủ vào chiều thứ 4 tới.

vnexpress.net (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ