Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường
UBND TP. Hà Nội giao các Sở, ban, ngành của thành phố trong thời gian tới xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm nhựa, bao gói, túi xách thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Ảnh minh họa.
Rác thải nhựa chiếm khoảng 8%-10%
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” diễn ra tại Hà Nội sáng 16/9, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8%-10%. Các sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở nên phổ biến trong cuộc sống người dân, nhưng lại để lại những hậu quả không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Trước tình trạng trên, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ TN&MT, TP. Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và những chương trình hành động cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Trong đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về “Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Từ đó đến nay, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố không sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các cuộc họp từ tháng 11/2019.
Bên cạnh đó, thông qua các buổi tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen và giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, ý thức người dân từng bước đã được nâng cao. Tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng cũng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Sở TN&MT Hà Nội cũng đã thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa. Từ đó, chương trình đã tái chế và góp phần giảm thiểu được trên 244 tấn rác thải vào bãi chôn lấp tập trung của TP. Hà Nội. Sở đã phối hợp với các chuyên gia thực hiện tuyên truyền thí điểm tại 5 trường tiểu học tại Hà Nội về tác hại của rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen và giảm thiểu sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần…
Tuy nhiên, trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đầu tiên, do thói quen của người dân khó thay đổi trong một thời gian ngắn; Nhà nước cần có chính sách tăng thuế với các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa, Thành phố cần có chính sách khuyến khích các đơn vị giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa. Ngoài ra, một số địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt…
Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường
Để người dân thay đổi thói quen trong việc tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường giúp các doanh nghiệp đồng hành lâu dài cùng người dân và chính quyền trong chống rác thải nhựa và túi nilon, ông Mai Trọng Thái cho biết, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh; hướng dẫn một số biện pháp nhằm khắc phục hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt; phối hợp với Sở Công Thương giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giúp người dân nhận biết được các sản phẩm thân thiện từ đó thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần .
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cộng đồng, tại danh mục các chương trình, dự án, đề án ưu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu đưa nội dung của Phong trào phòng chống rác thải nhựa và túi nilon vào nội dung sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng, buổi sinh hoạt khu dân cư. Giao các Sở, ban, ngành của Thành phố trong thời gian tới nghiên cứu thực hiện tổ chức lồng ghép trong các hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để tuyên truyền, phổ biến tác hại của chất thải nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm nhựa, bao gói, túi xách thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy vào đề tài cấp Thành phố có hỗ trợ về kinh phí (các sản phẩm này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định).
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa và túi nilon. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các bao bì thân thiện với môi trường đặc biệt là doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường từ 2020…
Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực liên quan tới nhựa, sản phẩm dùng 1 lần, theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội thì việc luật hoá là rất cần thiết. Để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp nhận được mặt trái của các sản phẩm nhựa khó phân giải các nhà làm luật cần có chế tài cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách cần đồng bộ, có đánh giá về ảnh hưởng đối với doanh nghiệp sản xuất có sử dụng sản phẩm nhựa khó phân huỷ.
Bên cạnh đó, khâu giáo dục tuyên truyền cũng rất cần thiết, cần đẩy mạnh. Cần giáo dục trẻ em ngay từ trong trường học để hình thành thói quen không sử dụng các vật dụng làm từ nhựa khó phân huỷ. Do vậy những doanh nghiệp thay đổi công nghệ cần có sự trợ giúp của nhà nước thông qua chính sách hoặc ưu đãi thuế, hoặc nhà nước có thể đứng ra mua công nghệ về lĩnh vực này từ nước ngoài để áp dụng cho doanh nghiệp trong nước…
Bảo Lâm