SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Truyền thông khoa học: Thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu vào thực tế

[29/09/2020 14:17]

Hoạt động truyền thông được nhìn nhận như một mảng quan trọng trong hoạt động khoa học - công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, trước thời cơ mới, hoạt động truyền thông KH&CN cần nắm rõ hơn nhiệm vụ đặt ra của ngành, để tuyên truyền, hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Truyền thông cần bám sát hoạt động của ngành

Dẫn câu chuyện thực tế, PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - cho biết, những năm qua, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được Chính phủ giao, và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả ba lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo cán bộ có trình độ cao. Gần đây nhất, Bảng xếp hạng Nature Index của Anh đã xếp hạng các nghiên cứu của Việt Nam trong đó Viện là đơn vị đứng đầu cả nước, bỏ xa khoảng cách đơn vị đứng thứ hai.

Đối với công tác ứng dụng và triển khai công nghệ, liên tục trong ba năm trở lại đây, Viện luôn được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Mỗi năm, Viện có 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp (DN) theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, và số lượng tăng lên hàng năm. Nhiều kết quả nghiên cứu tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng nhưng có tính ứng dụng cao.

"Để có sự thành công, lan tỏa các kết quả nghiên cứu và đưa vào ứng dụng này có sự đóng góp quan trọng của cơ quan truyền thông. Đây là sợi dây kết nối giữa nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ với DN, giữa DN và người sử dụng" - PGS.TS Chu Hoàng Hà nhấn mạnh.

Cũng ghi nhận vai trò của hoạt động truyền thông KH&CN, bà Cao Thị Vân Điềm - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP) - nhấn mạnh, truyền thông có vai trò giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất, kinh doanh. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là DN nói nhiều hơn về công việc hoặc tạo ra các sự kiện khoa học, giới thiệu công nghệ của mình, mà còn mang đến sự ủng hộ cho hoạt động KH&CN.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn tới, vai trò của KH&CN sẽ được đề cao. Để tăng trưởng kinh tế, không thể dựa vào các yếu tố như tài nguyên thiên nhiên, lao động rẻ... mà phải hướng đến nền công nghiệp, trong đó sử dụng các công nghệ cao, có giá trị gia tăng. Đặc biệt, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nhu cầu sở hữu các công nghệ hiện đại của DN tăng.

Đây chính là những thuận lợi, thời cơ lớn cho ngành KH&CN, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi nhà khoa học định hướng các nghiên cứu của mình để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, và cần đẩy mạnh truyền thông, tạo cầu nối với DN và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí xây dựng các chương trình, hoạt động thu hút sự quan tâm của toàn xã hội…

Quỳnh Nga

www.congthuong.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ