SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nobel Y học cho ba nhà virus học phát hiện ra bệnh viêm gan C

[07/10/2020 10:15]

Ba nhà virus học người Mỹ và Canada cùng nhận giải Nobel Y học năm nay vì đã nhận dạng và xác định đặc điểm của virus viêm gan C, nguyên nhân gây ra hàng trăm nghìn ca tử vong mỗi năm.

Harvey Alter, Charles Rice và Michael Houghton (từ trái sang phải) đã giành giải Nobel y học năm 2020 nhờ nghiên cứu về virus viêm gan C.

Đó là Harvey Alter (Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ ở Bethesda, Maryland); Michael Houghton (Đại học Alberta ở Canada); và Charles Rice (Đại học Rockefeller ở Thành phố New York). Nghiên cứu của họ về virus viêm gan C đã mở đường cho các phương pháp điều trị hiện nay.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 71 triệu người trên thế giới bị nhiễm viêm gan C mãn tính, gây ra gần 400.000 ca tử vong mỗi năm, chủ yếu là do xơ gan và ung thư gan.

Theo Ellie Barnes, nhà nghiên cứu y học gan và miễn dịch học tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh, giải thưởng Nobel dành cho ba nhà khoa học này là rất xứng đáng. "Chúng ta hiện có thể chữa khỏi hầu hết những người bị nhiễm bệnh," Barnes nói.

Mầm bệnh qua đường máu

Vào những năm 1970, Alter đã nghiên cứu sự lây truyền của bệnh viêm gan qua truyền máu. Trước đó, virus viêm gan A và B đã được xác định, nhưng Alter cho thấy một loại mầm bệnh virus thứ ba, lây truyền qua đường máu có thể truyền bệnh cho tinh tinh.

Houghton, khi đó đang làm việc tại Chiron Corporation ở Emeryville, California, và các đồng nghiệp đã xác định được loại virus này dựa trên vật liệu di truyền từ những con tinh tinh bị nhiễm bệnh, cho thấy đó là một loại virus RNA mới thuộc họ Flavivirus. Họ đặt tên cho nó là virus viêm gan C (hepatitis C).

Một nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Rice, lúc đó làm việc tại Đại học Washington ở St. Louis, Missouri, đã sử dụng các kỹ thuật di truyền để mô tả bộ phận chịu trách nhiệm về việc nhân lên của virus trong bộ gen virus viêm gan C, chứng minh vai trò của virus này trong việc gây ra bệnh gan.

Tại một cuộc họp báo, Alter đã nhấn mạnh rằng, nhóm của Houghton đã mất 6 năm để sao chép một đoạn nhỏ của bộ gen virus viêm gan C. Ông lưu ý, ngày nay các nhà khoa học rất khó thực hiện các nghiên cứu như vậy: "Ngày nay nếu bạn không chỉ ra được điểm đến cuối cùng của nghiên cứu ngay tức thì thì rất khó gọi tài trợ. Các nhà nghiên cứu - đặc biệt là những người trẻ tuổi - giờ đây khó theo đuổi nghiên cứu hơn nhiều. Tôi nghĩ cơ chế này cần phải thay đổi."

Một số nhà nghiên cứu coi nhà virus học Ralf Bartenschlager tại Đại học Heidelberg ở Đức là ứng viên cho giải Nobel về bệnh viêm gan C vì Bartenschlager đã nghiên cứu các cách lây truyền mầm bệnh trong phòng thí nghiệm. Nhưng Bartenschlager nói rằng ủy ban Nobel đã đưa ra một lựa chọn hợp lý.

Trong quá khứ, Houghton đã từng lên tiếng phê bình các giải thưởng khoa học giới hạn số lượng người nhận - số người tối đa cùng nhận một giải Nobel là ba. Năm 2013, Houghton từ chối Canada Gairdner Award trị giá 75.000 USD vì giải thưởng không công nhận các cộng sự của ông là Qui-Lim Choo và George Kuo ở Chiron. "Houghton luôn coi kết quả khám phá là của cả nhóm," Thomas Baumert, nhà virus học và gan học tại Đại học Strasbourg, Pháp, cho biết.

Houghton cho biết ông đã hy vọng thuyết phục được Quỹ Gairdner mở rộng danh sách trao giải thưởng để bao gồm cả các cộng sự của mình. Nhưng các cuộc thảo luận với quỹ trở nên căng thẳng, và Houghton quyết định không nhận giải. Tuy nhiên, theo Houghton, giải Nobel là một vấn đề khác. "Tôi nghĩ tôi sẽ quá tự phụ nếu từ chối giải Nobel," Houghton nói trong một cuộc họp báo. "Các quy định và quy trình của họ dựa trên ý chí của Alfred Nobel và tôi không nghĩ rằng việc thảo luận về vấn đề đó với họ là điều khả thi."

Virus viêm gan C qua kính hiển vi điện tử.

Những cái khó cho việc điều chế vaccine

Kết quả nghiên cứu của ba nhà khoa học nhận giải Nobel và những người khác đã dẫn đến những cải thiện đáng kể trong việc xét nghiệm và điều trị viêm gan. Các phương pháp điều trị không mấy dễ chịu và kém hiệu quả trong thập kỷ trước đã được thay thế bằng các loại thuốc ngăn chặn trực tiếp virus và có tiềm năng chữa khỏi phần lớn các ca nhiễm viêm gan C. Tuy nhiên giá thuốc cao đã hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều bệnh nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt mục tiêu loại trừ virus viêm gan C vào năm 2030. Barnes nói mục tiêu này có thể đạt được, nhưng có thể cần có vaccine.

Tiến độ phát triển một loại vaccine như vậy rất chậm, một phần do thiếu đầu tư và một phần do bản chất của virus. Di truyền của mỗi chủng virus viêm gan C khác nhau rất nhiều: Barnes ước tính rằng virus viêm gan C đa dạng hơn virus HIV gấp mười lần và đa dạng hơn "vô số lần" so với SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19. Ngoài ra, rất khó để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở những nhóm dễ bị nhiễm virus viêm gan C nhất.

"Loại virus này đã được phát hiện cách đây 30 năm và chúng ta vẫn chưa có vaccine. Chúng ta vẫn có những người bị nhiễm và chết vì viêm gan C. Từ quan điểm đó, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc."

Baumert nói thêm, việc có các phương pháp điều trị đã kéo theo một quan niệm sai lầm rằng vấn đề viêm gan C đã được giải quyết, và các nhà tài trợ cũng như các tạp chí dường như ít quan tâm đến căn bệnh này hơn. Giải thưởng Nobel là một cơ hội để nhắc nhở thế giới rằng viêm gan C vẫn còn là một vấn đề. "Giải thưởng này sẽ thúc đẩy nghiên cứu trở lại và tập trung vào vaccine viêm gan C," Baumert nói.

Hoàng Nam

www.khampha.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ