Nhiều ca bệnh Covid-19 xuất hiện nguy cơ mất thính giác vĩnh viễn
Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng Covid-19 có thể gây mất thính giác vĩnh viễn, đồng thời cho biết thêm rằng những vấn đề như vậy cần được phát hiện sớm và điều trị khẩn cấp.
Hình minh họa. Nguồn: AP
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng virus corona ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách, từ mất vị giác và khứu giác đến tổn thương nội tạng.
Hiện các bác sĩ đã báo cáo bằng chứng mới cho thấy Covid cũng có thể ảnh hưởng đến thính giác. Viết trên tạp chí BMJ Case Reports, các chuyên gia tại Đại học College London báo cáo trường hợp một người đàn ông 45 tuổi có bệnh hen suyễn đã được đưa vào chăm sóc đặc biệt vì nhiễm Covid, bệnh nhân phải thở máy và cho dùng các loại thuốc bao gồm remdesivir kháng virus và steroid tiêm tĩnh mạch.
Một tuần sau khi được chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân này bị ù tai và sau đó mất thính giác ở tai trái.
Nhóm nghiên cứu cho biết không có loại thuốc nào sử dụng cho bệnh nhân này có tác dụng phụ gây hại cho thính giác, và bệnh nhân cũng không gặp vấn đề gì với ống tai hoặc màng nhĩ. Điều tra sâu hơn cho thấy cũng không có dấu hiệu của các vấn đề tự miễn dịch (hệ thống miễn dịch của bệnh nhân chống lại các tế bào và mô lành mạnh của chính mình), và bệnh nhân cũng không bị cúm hoặc HIV - các tình trạng có liên quan đến mất thính giác. Hơn nữa, bệnh nhân này chưa bao giờ gặp vấn đề về thính giác trước đây.
Các cuộc kiểm tra sau đó cho thấy người đàn ông bị mất thính giác thần kinh giác quan ở tai trái - một tình trạng mà tai trong hoặc dây thần kinh chịu trách nhiệm về âm thanh bị viêm hoặc tổn thương. Bệnh nhân sau đó đã được điều trị bằng steroid và bước đầu có kết quả.
Trường hợp này là vụ việc đầu tiên được báo cáo ở Anh, tuy nhiên một số ít báo cáo tương tự về mất thính giác liên quan đến Covid đã xuất hiện ở các quốc gia khác.
Tiến sĩ Stefania Koumpa, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết vẫn chưa biết Covid có thể gây mất thính giác như thế nào, nhưng có một số cách giải thích. "Có thể virus Sars-Cov-2 xâm nhập vào các tế bào tai trong và gây chết tế bào, và/hoặc khiến cơ thể tiết ra các hóa chất gây viêm gọi là cytokine có thể gây độc cho tai trong. Steroid có thể giúp giảm viêm và do đó giảm sản xuất cytokine trong cơ thể," Koumpa cho biết.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị rằng các bệnh nhân Covid đang được chăm sóc đặc biệt nên được hỏi về tình trạng mất thính lực và chuyển đến điều trị khẩn cấp nếu xuất hiện tình trạng này.
"Mất thính lực một bên cũng có những hậu quả lớn đối với chất lượng cuộc sống của một người, nếu không được điều trị kịp thời," Koumpa nói.
Kevin Munro, giáo sư thính học tại Đại học Manchester, người không tham gia vào báo cáo này, cho biết rằng các loại virus khác, bao gồm cả bệnh sởi và quai bị, có thể ảnh hưởng đến thính giác, và nhiều bệnh nhân chữa khỏi Covid đã nói với Munro rằng họ nhận thấy có sự thay đổi trong thính giác hoặc bị ù tai. Nghiên cứu từ nhóm của Munro trước đây cho thấy 16 trong số 121 bệnh nhân nhập viện bởi Covid báo cáo các vấn đề về thính giác khoảng hai tháng sau khi xuất viện.
Munro cho biết nhóm của ông hiện đang điều tra mức độ phổ biến và nguyên nhân của các vấn đề như vậy, lưu ý rằng vẫn chưa rõ liệu chúng có phải do virus gây ra hay là do phản ứng của hệ thống miễn dịch, căng thẳng hay thậm chí là do các phương pháp điều trị Covid.
Phạm Nhật