SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vaccine Covid-19 của Moderna: Có thể ngăn chặn cả những ca bệnh nặng

[19/11/2020 15:59]

Chỉ trong vòng một tuần, đây là lần thứ ba các nhà phát triển vaccine Covid-19 báo cáo các kết quả sơ bộ cho thấy vaccine của mình đem lại hiệu quả cao. Những dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine của Moderna có hiệu quả đến 94% và có thể ngăn chặn được cả những ca bệnh nghiêm trọng. Ngày 16/11 vừa qua, Công ty Công nghệ sinh học Moderna tại Cambridge, Massachusetts đã cho biết vaccine dựa trên RNA của họ có hiệu quả phòng ngừa đến 94%. Kết quả này được đưa ra dựa trên phân tích 95 trường hợp trong thử nghiệm hiệu quả giai đoạn III mà họ đang tiến hành.

Thử nghiệm vaccine giai đoạn III của Moderna đã thu hút khoảng 30,000 người tham gia. Nguồn: Erin Schaff/The New York Times/Redux/sciencemag.org

Theo các nhà khoa học, kết quả mà báo chí mới chia sẻ này đã cung cấp nhiều chi tiết hơn so với thông báo kết quả tuần trước của hãng Pfizer và BioNTech, hai đơn vị cũng đang cùng nghiên cứu về vaccine RNA, và của vaccine “Sputnik V” đang gây tranh cãi. Đặc biệt, Moderna đã công bố các số liệu cho thấy vaccine của họ có thể ngăn ngừa được các lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng, còn các hãng còn lại không thông báo thông tin này.

“Chúng ta cần thêm các đánh giá bình duyệt, tuy nhiên dù đánh giá thế nào, kết quả này có vẻ vẫn là một tin rất tốt”, nhà miễn dịch học Daniel Altmann tại Đại học Hoàng gia London nhận định.

Còn theo Anthony Fauci, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ tại Bethesda, Maryland, cơ quan đồng nghiên cứu phát triển vaccine này, đánh giá, “kết quả thử nghiệm thật sự đáng kinh ngạc”. Fauci cho biết, vài tháng trước ông đã từng nói với các phóng viên rằng ông sẽ rất mừng nếu vaccine có hiệu quả khoảng 70% hoặc 75%, còn con số 95% hiệu quả thì sẽ là một “ước vọng”. “Và ước vọng đó của chúng tôi đã thành hiện thực và là một tin rất tốt”, ông nói thêm.

Các chỉ thị di truyền

Moderna là một trong những nhà phát triển đầu tiên thông báo họ đang nghiên cứu vaccine Covid-19 và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người. Vaccine của công ty này bao gồm các chỉ thị RNA để các tế bào sản xuất ra một dạng biến đổi của protein gai (spike protein) của virus corona - mục tiêu mà hệ thống miễn dịch nhắm đến khi chống lại virus này. Công ty đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vào ngày 27/7 với khoảng 30,000 người tham gia.

Cuộc thử nghiệm vẫn đang tiến hành. Tuy nhiên một phân tích do ủy ban an toàn dữ liệu độc lập tiến hành vào ngày 15/11 đã phát hiện ra có 95 người tham gia thử nghiệm mắc Covid-19. Trong số đó, 90 người nằm trong nhóm đã được tiêm giả dược và 5 người được tiêm vaccine, kết quả này tương đương với hiệu quả 94,5%. Trong khi đó, vaccine của Pfizer và BioNTech được báo cáo có hiệu quả hơn 90% dựa trên 94 trường hợp, còn vaccine Sputnik V của Nga có hiệu quả 92% khi được tính toán dựa trên 20 trường hợp Covid-19 được ghi nhận.

Theo Stephen Evans, một nhà dịch tễ học thống kê tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, khi quá trình thử nghiệm của Moderna hoàn tất, các tính toán sau cùng về hiệu quả vaccine có thể sẽ giảm xuống mặc dù không quá nhiều. Dữ liệu tạm thời cho thấy hiệu quả có thể sẽ ở mức 86%. “Cả vaccine Pfizer (công bố trước vaccine Moderna 7 ngày) và vaccine Moderna đều có hiệu quả rõ rệt hơn rất nhiều so với những gì mà hầu hết các nhà khoa học mong đợi”.

Moderna cũng đưa ra một số bằng chứng cho thấy có hiệu quả bảo vệ được cả những ca Covid-19 nặng - một điều chưa hề được đề cập đến trong thông cáo báo chí của cả Pfizer/BioNTech và Sputnik. Dữ liệu cho đến thời điểm này của Moderna đã cho thấy cả 11 trường hợp nặng đều thuộc nhóm thử nghiệm giả dược và không có trường hợp nào thuộc nhóm thử nghiệm vaccine. Theo Evans, đây là một dấu hiệu tốt nhưng không có gì đáng ngạc nhiên bởi vaccine có hiệu quả cao. “Nếu một loại vaccine đã bắt đầu đạt hiệu quả tốt như vậy thì sẽ không còn nhiều chỗ để cho các ca bệnh nặng xuất hiện”, ông nói.

Trong hướng dẫn phê duyệt khẩn cấp đối với vaccine Covid, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết, trong các thử nghiệm về hiệu quả của vaccine thì nên có tối thiểu 5 trường hợp nghiêm trọng thuộc nhóm dùng giả dược.

Những câu hỏi mở

Cũng như những loại vaccine khác, vẫn còn nhiều điều mà giới khoa học chưa chắc chắn về vaccine của Modnerna. Chúng ta vẫn chưa biết liệu hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể kéo dài bao lâu; liệu nó có thể ngăn con người lan truyền virus hay không; hoặc liệu vaccine có tác dụng đối với những nhóm có nguy cơ lớn hơn như nhóm người cao tuổi hay không. Theo báo cáo của công ty, trong số 95 trường hợp nhiễm Covid-19, có 15 người lớn hơn 65 tuổi, tuy nhiên báo cáo không chỉ ra những người này nằm trong nhóm sử dụng giả dược hay vaccine.

Theo Evans, có một câu hỏi quan trọng là bao nhiêu người trong số 5 trường hợp nhiễm bệnh đã được tiêm chủng thuộc nhóm trên 65 tuổi - yếu tố có thể giúp chỉ ra liệu vaccine có kém hiệu quả đối với nhóm tuổi này so với các nhóm khác hay không. Theo nhận định của ông thì điều này ít có khả năng xảy ra, bởi các dữ liệu cho thấy những người cao tuổi tham gia thử nghiệm sản sinh ra phản ứng miễn dịch mạnh với vaccine. Trong thông cáo báo chí, hãng Moderna cho biết: “Các phân tích sơ bộ cho thấy tính hiệu quả và an toàn là nhất quán đối với tất cả các phân nhóm được đánh giá”.

Các nhà nghiên cứu cũng rất hào hứng khi Moderna thông báo vaccine của họ có thể duy trì sự ổn định trong vòng một tháng khi bảo quản trong tủ lạnh thông thường và trong vòng sáu tháng khi bảo quản ở tủ cấp đông. Trong khi đó, vaccine của Pfizer phải được bảo quản ở điều kiện đặc biệt lên tới -70°C trước khi vận chuyển nên có thể sẽ khó phân phối được ở những nơi không có cơ sở hạ tầng để trữ lạnh như vậy.

Mỹ Hạnh

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ