Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Kiến nghị một số giải pháp
Để cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất nông nghiệp thành công thì những phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp nêu ra phải hướng vào việc hóa giải cho được những mâu thuẫn, những ‘nút thắt’ đã nêu (xem kỳ trước ‘Nông nghiệp Việt Nam: Những vấn đề tồn tại’, Tia Sáng số 21 năm 2020), sát hợp với tình hình cụ thể của đất nước và bối cảnh quốc tế, đặt phát triển nông nghiệp trong dòng chảy của đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Trong cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất nông nghiệp cần tập trung vào việc tái cơ cấu nông nghiệp cần tập trung mạnh vào tạo môi trường thuận lợi cho hình thành các chuỗi giá trị nông sản có hiệu quả và bền vững. Trong ảnh: Mô hình “cây xoài nhà tôi”, cho phép người mua xoài có thể đặt mua và theo dõi cây xoài mình mua tại tỉnh Đồng Tháp.
Nền tảng của nông nghiệp Việt Nam hôm nay là gần 10 triệu hộ tiểu nông riêng rẽ, với quan hệ chính là liên kết nhỏ. Trong tổng số gần 10 triệu hộ nông thôn, chỉ có 619 ngàn hộ tham gia mô hình liên kết ‘cánh đồng lớn’ có diện tích 579 ngàn ha. Diện tích sản xuất được ký hợp đồng bao tiêu chỉ có 169 ngàn ha, gần 90% là hợp đồng sản xuất lúa. Nông dân phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống thương lái và các đại lý trong việc mua bán đầu vào và đầu ra. Do đó, trong cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất nông nghiệp cần tập trung mạnh vào tạo môi trường thuận lợi cho hình thành các chuỗi giá trị nông sản có hiệu quả và bền vững dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng miền, từng địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ chế biến và chế biến sâu nông sản, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, trong nước và xuất khẩu; trong đó hỗ trợ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với ba nhóm sản phẩm OCOP chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm cấp huyện).
Để làm được điều đó, nên chú trọng đến một số giải pháp cụ thể sau:
Gắn kết hữu cơ giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Công nghiệp hóa, đô thị hóa là tất yếu, nhưng dường như thời gian qua mô hình tăng trưởng dựa vào các cực phát triển chưa gắn kết chặt chẽ giữa nông thôn và thành thị, khoảng cách nông thôn-thành thị, nông dân-thị dân, giàu-nghèo, miền xuôi-miền ngược đang doãng ra. Để thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 38,4% năm 2019, dự kiến vượt mốc 40% vào năm 2020 lên trên 50% vào năm 2035 mà không vướng phải các bất ổn xã hội mà các nước khác đã và đang vấp phải có lẽ chúng ta nên học tập mô hình đô thị hóa nông thôn của một số nước và vùng lãnh thổ, điển hình là Đài Loan, đã khôn khéo lựa chọn mô hình phát triển bao trùm, với đặc điểm là gắn kết đô thị lớn với phát triển nông thôn, hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh trong các vùng ‘lõi’ nông nghiệp, đẩy mạnh và ưu tiên quá trình đô thị hóa nông thôn (đô thị địa phương), phân cấp chức năng cho đô thị nhỏ, hình thành hệ thống đô thị - nông thị trên cả nước, ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Điều đó đã tạo ra ‘thị trường cả nước, sức mua toàn dân’. Hệ thống các đô thị này thực sự trở thành động lực để phân công nguồn lực, thu hút công nghiệp về nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tái cơ cấu nông nghiệp, tạo ra các loại hình sinh kế phi nông nghiệp, hình thành thị trường lao động chính thức ở khu vực nông thôn.
Thực hiện quy hoạch nông nghiệp "thông minh" hướng tới thị trường mở, không nên cố định diện tích lúa, nhưng cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phải bảo tồn được diện tích đất nông nghiệp. Cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cho cả mục tiêu ngắn hạn (10-20 năm), trung hạn (20-30 năm) và dài hạn (50 hay 100 năm), để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp thiết thực và hiệu quả trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Đối với các loại đất nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho người sử dụng đất quyết định phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo tín hiệu thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng cho từng loại đất.
Đổi mới chất lượng lao động nông nghiệp. Nông nghiệp thời hội nhập cần phải có những người nông dân mới, do đó nhất thiết phải đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp để nông dân Việt Nam thực sự là những người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo tư duy công nghiệp, làm kinh doanh nông nghiệp và làm nông nghiệp là một nghề bình đẳng và cao quý như tất cả các nghề khác. Nhà nước có kế hoạch và chương trình hành động thiết thực để đổi mới về chất lượng lao động nông thôn, nhất là trong trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
Nhà nước thực sự đóng vai trò kiến tạo trong quá trình chuyển đổi sâu rộng của nông nghiệp và nông thôn. Nhà nước tập trung vào các hoạt động quản lý vĩ mô như xây dựng chiến lược, ban hành chính sách, đàm phán pháp lý, hỗ trợ phát triển thị trường, tập trung vào cung cấp các dịch vụ công mà hộ nông dân chưa thể tự đảm đương được (nghiên cứu cơ bản, khuyến nông cho địa bàn khó khăn, cung cấp thông tin thị trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, quản lý thị trường, chất lượng nông sản. v.v…). Không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ tìm kiếm lợi nhuận mà sẽ giao các hoạt động này cho tư nhân và nông dân, thông qua các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã (thực chất) và Hội Nông dân.
Cần cải thiện đầu tư công và cải thiện dịch vụ công trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn thông qua các chính sách hạn chế việc quy hoạch sử dụng đất cố định dài hạn. Giải quyết dứt điểm các tồn tại và khuyết tật của mô hình nông lâm trường quốc doanh để các đơn vị kinh tế này thể hiện rõ vai trò kinh tế nhà nước trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các quy định hỗ trợ phát triển thị trường đất đai, nhất là những cơ chế chính sách để tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy quy mô sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư vào logistics nông nghiệp, hỗ trợ kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nhà nước cũng cần có chính sách quản lý rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc xây dựng cơ chế quản lý rủi ro thông qua Quỹ Bảo hiểm nông nghiệp, quỹ tự nguyện hỗ trợ sản xuất của hợp tác xã; cung cấp thông tin thị trường; thực hiện vai trò đồng quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng quản lý an toàn thực phẩm.
Cần có một hệ thống chính sách đột phá để hợp tác xã phát triển vượt trội, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp. Xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012 nhằm phát triển hợp tác xã theo hướng hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó hợp tác xã là một tác nhân trong chuỗi, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân nhỏ để ‘làm bạn’ với doanh nghiệp lớn vươn tới thị trường toàn cầu trên 'đôi chân' nhỏ bé của nông hộ. Liên minh hợp tác xã phải được phân cấp để có năng lực tham gia cung cấp vốn, vật tư, thiết bị cho nông dân và kinh doanh tiêu thụ nông sản, trở thành chỗ dựa chính, hỗ trợ nông dân trên thị trường, chứ không phải là chỉ một tổ chức trung gian, ‘ăn ké’ nhà nông; trên cơ sở đó, tham gia các hoạt động bảo vệ sản xuất, đời sống và nâng cao phúc lợi cho cư dân nông thôn. Có như vậy thì các nông hộ nhỏ lẻ mới có thể sản xuất hướng tới thị trường, chấm dứt vận hành sản xuất theo ‘chủ nghĩa trọng cung’ và vấp phải tình trạng ‘giải cứu’ hết dưa hấu đến lợn trong nhiều năm nay để chuyển sang sản xuất theo 'chủ nghĩa trọng cầu'.
Hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh nông nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị với vai trò dẫn dắt kinh tế nông thôn thuộc về doanh nghiệp.
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng. Lưu ý là các chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng mang tính thâm dụng tri thức (knowledge-intensive) hơn là phụ thuộc vào lao động kỹ năng cao. Trong khi các công ty về máy móc và thiết bị dành 36% doanh thu cho R&D và tài sản vô hình, các công ty dược phẩm và thiết bị y tế dành trung bình 80% doanh thu cho R&D nhưng ngành nông nghiệp toàn cầu chỉ dành 5% doanh thu cho điều này, thấp hơn mức trung bình của tất cả các ngành. Vì vậy Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này.
Nâng cao năng lực ứng phó và quản lý rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, dịch bệnh và tăng cường quản lý môi trường. Tăng cường đầu tư công vào các công trình phòng, chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, dự báo, giám sát và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường quản lý chất thải nông nghiệp, áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp. Thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất chịu tác động của biến đổi về khí hậu. Xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và sự bùng phát của các loại dịch bệnh cũ và mới. Cần đặc biệt quan tâm tới quản lý môi trường thông qua kiểm soát chặt chẽ các chỉ số môi trường.
Xây dựng và thực thi chiến lược quốc gia về an ninh chuỗi cung ứng. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cú sốc đối với hoạt động sản xuất của toàn cầu, nhưng cũng mở ra cơ hội đối với nền kinh tế kĩ thuật số trong đó việc tìm kiếm nguồn cung, tổ chức sản xuất và phân phối đều được ‘số hóa’ với tốc độ và quy mô lớn chưa từng thấy. Chuỗi cung ứng đang trải qua một quá trình chuyển đổi nhanh chóng với nhiều đặc điểm khác trước, sẽ khiến một số quốc gia đánh mất lợi thế trước đây với tư cách một mắt xích trong chuỗi. Để thúc đẩy nền kinh tế cho năng suất cao hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn (cả trên khía cạnh chính trị, kinh tế và môi trường) Việt Nam cần tăng cường kết nối sản xuất trong nước vào các chuỗi cung ứng mới ở khu vực và toàn cầu nhưng cần đặc biệt chủ động tổ chức lại chuỗi cung ứng các ngành hàng nông sản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đối phó với dịch bệnh, các thảm họa tự nhiên và các bất ổn về địa chính trị hay các rủi ro về tài chính, giá cả... để đảm bảo cho việc trở thành một quốc gia tự chủ, tự cường.
Kết luận
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa với qui mô lớn, với yêu cầu phát triển nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững, đứng trước xu hướng hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt thể chế và công nghệ; để xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam tiên tiến, kế thừa các truyền thống vẻ vang của nền nông nghiệp đã qua, đồng thời đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển lên tầm cao mới. Ở đó, mỗi nông dân đồng thời là một doanh nhân, đồng thời là một chuyên gia trên đồng ruộng, trong trang trại của họ như các đồng nghiệp ở Hà Lan, Israel, Úc hay Nhật Bản; họ thực sự giàu có trên quê hương yên bình được đô thị hóa mạnh mẽ nhưng vẫn giữ nguyên được các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt, của tâm hồn Việt. □
Về cơ bản, chúng ta phải chuyển từ tái cơ cấu sản xuất chỉ dựa trên thay đổi kết cấu ngành hàng và sản phẩm hiện nay sang tái cơ cấu thực sự theo chiều sâu về ba lĩnh vực: một là giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản; hai là áp dụng được khoa học và công nghệ; ba là đổi mới thể chế tổ chức sản xuất nông nghiệp, cụ thể là phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng chuỗi giá trị. Đây mới chính là các điểm đột phá để thay đổi về cơ bản khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Trần Đức Viên