Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh
Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018 và hiện nay gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các thành phố thông minh.
Ngày 24/11, Hội nghị Cấp cao Thành phố Thông minh 2020 (Smart City Summit) lần thứ 4 đã chính thức khai mạc với sự tham gia theo dõi của khoảng 1.000 đại biểu theo dõi trên các nền tảng trực tuyến và 27 điểm cầu tại 27 thành phố. Chương trình được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và thể hiện sự đồng hành mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ trong thúc đẩy phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Thành phố thông minh là xu thế phát triển của tất cả các đô thị trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Vì vậy trong các năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy xây dựng và phát triển các đô thị thông minh như: Quyết định 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030, Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
Bên cạnh các văn bản pháp lý, trong thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào các mạng lưới thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018 và hiện nay gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: Từ góc độ nhận thức, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số cho một đô thị với 3 nội dung chính bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từ góc độ chính sách, đô thị thông minh là nơi thí điểm, thử nghiệm triển khai các dịch vụ mới, mô hình mới, thí điểm các chính sách mới bằng việc sử dụng công nghệ số mới, làm ngay từ khâu xây dựng quy hoạch phát triển đô thị, xuất phát từ bài toán nhức nhối đặc thù của chính đô thị đó.
Đô thị thông minh có lẽ là lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ nhất những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có rất nhiều các yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị thông minh nhưng có thể nói hạ tầng, nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghệ số được coi là những yếu tố nền tảng, là cơ sở cho các yếu tố khác triển khai trên đó. Đây là các yếu tố len lỏi trong mọi lĩnh vực của đô thị thông minh và trực tiếp đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển đô thị.
“Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan, các địa phương và một số cơ quan quốc tế từ Singapore, Hàn Quốc,.. để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh. Đặc biệt, ngày 31/5/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, là cơ sở để các địa phương xây dựng Kiến trúc ICT và triển khai hạ tầng công nghệ số phục vụ phát triển đô thị thông minh tại địa phương” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhận định: Smart City là một xu thế không thể đảo ngược, là giải pháp tối ưu giải quyết các vấn đề của đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn hơn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ của Chính phủ, chính quyền các cấp mà cần sự ủng hộ, đồng hành và vào cuộc mạnh mẽ của tất cả người dân và doanh nghiệp.
Chia sẻ về các giải pháp phát triển đô thị thông minh, ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho hay: Trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 1 số nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển đô thị thông minh với 9 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh; thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hoá liên thông đa ngành; nghiên cứu ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững; đẩy mạnh chính phủ điện tử; xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển đô thị thông minh; tập trung đào tạo cán bộ đầu mối của đề án; xây dựng cơ chế điều phối phát triển đô thị thông minh; tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế.
Trao Giải thưởng Thành phố Thông minh 2020
Theo các chuyên gia, các khu đô thị thông minh sẽ là tương lai của các dự án bất động sản, tương lai của các khu dân cư đô thị nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm và tiện ích cho cư dân, biến thành phố thực sự trở thành nơi đáng sống, đáng làm việc. Tại Việt Nam, các dự án bất động sản thông minh trong 2 năm gần đây phát triển nở rộ với quy mô rất lớn, chỉ riêng Vinhomes đang phát triển 3 dự án (2 dự án tại Hà Nội và 1 dự án tại Tp. Hồ Chí Minh).
Bên cạnh đó, việc tạo ra các khu công nghiệp thông minh với những dịch vụ tiện ích đầy đủ, đơn giản và nhanh chóng cho các nhà đầu tư sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư hấp dẫn cho các khu công nghiệp nói riêng và góp phần xây dựng thương hiệu cho các tỉnh, thành của Việt Nam nói chung, nhanh chóng đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ hiện nay. Tại Việt Nam, một số tỉnh đã quan tâm và bắt tay xây dựng mô hình bất động sản công nghiệp thông minh như: QTSC tại Tp. Hồ Chí Minh, Becamex tại Bình Dương và một số khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bình Định…
“Tuy nhiên, các mô hình khu đô thị thông minh hiện nay mới chỉ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật mà chưa chú ý đến các yếu tố quy hoạch - đặc biệt là các nền tảng kết nối, tạo ra cộng đồng cư dân gắn kết, duy trì và phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống, văn minh đô thị” - ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch VINASA chia sẻ thêm.
Để cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình xây dựng và phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam, VINASA đã trang trọng tổ chức Lễ Công bố và Trao Giải thưởng Thành phố Thông minh 2020 cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên giải thưởng được tổ chức. Theo đó, 54 đề cử xuất sắc đạt giải từ 26 đơn vị, doanh nghiệp đã được trao giải thưởng.
Trong đó, 4 giải thưởng và 3 bằng khen dành cho nhóm các đô thị; 2 Giải thưởng dành cho nhóm các dự án bất động sản; 43 Giải thưởng dành cho các giải pháp số cho đô thị, bất động sản và bất động sản công nghiệp thông minh, trong đó có 8 giải pháp xuất sắc được xếp hạng 5 sao; 5 Giải thưởng xuất sắc nhất sẽ được trao cho: Công ty Cổ Phần FPT, Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu Chính Viễn thông VNPT, Công ty Cổ phần Vinhomes và đặc biệt, thành phố Đà Nẵng là đô thị duy nhất được trao Giải thưởng danh giá dành cho các đô thị.
Theo thống kê, riêng 43 giải pháp số cho thành phố thông minh từ 22 doanh nghiệp Công nghệ được trao Giải thưởng hôm nay đã có tổng doanh thu trên 1.207 tỉ đồng với tổng số nhân lực là 59.405 người. Theo kế hoạch, các giải pháp số được trao giải thưởng thành phố thông minh 2020 sẽ được Ban Tổ chức gửi thư giới thiệu, kết nối đến các tỉnh, thành phố, các khu đô thị, chủ đầu tư các dự án bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp và đối tác tiềm năng.
Quỳnh Nga