Công nghiệp vật liệu: Tìm cách gỡ điểm nghẽn
Trong bối cảnh chưa bao giờ số lượng các nhà nghiên cứu về khoa học vật liệu của nước ta lại đông đảo như hiện nay và nhu cầu về vật liệu cho các ngành chế biến, sản xuất, trồng trọt lại không ngừng gia tăng, điểm nghẽn giữa khối doanh nghiệp và nghiên cứu dường như vẫn tồn tại.
Nhu cầu về vật liệu cho các ngành chế biến, sản xuất, trồng trọt đang không ngừng gia tăng
Nhu cầu của thị trường vật liệu trong nước
Tại hội thảo “KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp Vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra vào sáng ngày 25/11/2020 tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cả tiến sĩ Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, phó giáo sư Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN và giáo sư Châu Văn Minh, Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đều cùng chung nhận định: việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là một trong những nền tảng cơ bản để làm chủ sản xuất công nghiệp. Để tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần tự chủ được các nguồn vật liệu công nghệ cao, chất lượng tốt và giá thành tương đương hoặc rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập.
Tuy nhiên có một thực tế hiện nay là “thị trường” về vật liệu đã có nhưng chưa có nguồn cung một cách đầy đủ, các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào sự cung ứng của các công ty nước ngoài. Do đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt không khỏi ưu tư: “Ở Việt Nam chúng ta, nhu cầu cho vật liệu phát triển kinh tế xã hội ngày càng gia tăng, trong khi năng lực sản xuất công nghiệp của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Công thương, vật liệu gang chế tạo của chúng ta chỉ đạt 30%; nguyên liệu cho ngành dệt may chúng ta phải nhập khẩu gần 90% với vải và 80% với sợi…”
“Từ năm 2001, luôn có một chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu ứng dụng vật liệu luôn được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình KH&CN quốc gia khác...
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và đo lường, từ năm 2011 đến 2020 đã công bố 2069 tiêu chuẩn Việt Nam với tỉ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế đạt xấp xỉ 72% và 50 quy chuẩn VN, cấp 6.131 bằng độc quyền sáng chế, 20.705 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong lĩnh vực vật liệu”.
PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN
Nhu cầu về vật liệu trải rộng theo nhiều ngành nghề, không chỉ ở những ngành chế biến chế tạo như công nghiệp thực phẩm, cơ khí, xây dựng, chiếu sáng, công nghệ thông tin mà cả những ngành nghề như chăn nuôi, trồng trọt. Đồng tình với nhận xét của Bộ trưởng Bộ KH&CN, giáo sư Nguyễn Việt Bắc, chủ nhiệm chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia KC02 về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vật liệu (Bộ KH&CN) nêu một ví dụ, Việt Nam có nguồn cung cao su tự nhiên trong nước rất dồi dào nhưng để làm ra được các sản phẩm từ cao su thì vẫn cần bổ sung khoảng 47% cao su tổng hợp. Tuy nhiên đáng tiếc là “chúng ta chưa có khả năng sản xuất cao su tổng hợp tại chỗ”.
Trước một thị trường rộng lớn như vậy, các nhà khoa học Việt Nam có thể làm được những gì? Vấn đề được đặt ra một cách trực diện như vậy khiến không ai có thể lẩn tránh. Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, một trong những viện nghiên cứu mạnh của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cho rằng, mặc dù các nhà nghiên cứu đã có trong tay nhiều kết quả nghiên cứu về vật liệu tiên tiến ở rất nhiều hướng hiện đại như vật liệu điện tử, quang điện tử, vật liệu xử lý môi trường, vật liệu lai, vật liệu xúc tác, vật liệu có nhiều tính năng chịu được các điều kiện cực đoan, ăn mòn… nhưng con đường đưa các vật liệu ấy vào ứng dụng trong các doanh nghiệp vẫn còn điểm nghẽn. Điều đó thể hiện chủ yếu ở hai điểm: doanh nghiệp chưa có xu hướng đầu tư vào R&D để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa; ngành công nghiệp chưa thực sự tin tưởng và chia sẻ một cách thực sự với các cơ sở nghiên cứu trong nước. “Doanh nghiệp vẫn chưa đặt niềm tin vào nhà khoa học và khả năng xử lý vấn đề của họ. Nếu không có niềm tin thì chúng ta không thể làm việc được cùng nhau”, ông nói.
Do đó, ông không khỏi tiếc nuối khi nói đến giá trị của một số sản phẩm từ nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, dù rất hứa hẹn nhưng thiếu bà đỡ nên vẫn bị coi là “đề tài cất ngăn kéo”, ví dụ như câu chuyện về sản phẩm chấm lượng tử - một tinh thể nano được làm từ vật liệu chất bán dẫn có các đặc tính cơ học lượng tử thú vị do ở kích thước rất nhỏ, đẹp rực rỡ trong phòng thí nghiệm Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hơn 10 năm trước, hứa hẹn những ứng dụng đa dạng trong nhiều sản phẩm công nghiệp như tranzito, pin Mặt trời, đèn LED, laser điốt, chụp ảnh y học… và có thể đạt mức giá 17.000 USD với một miligram. Rút cục, sản phẩm đó vẫn chỉ nằm trong phòng thí nghiệm mà chưa được doanh nghiệp Việt Nam nào biết đến.
Doanh nghiệp chưa thực sự chủ động?
Khi chưa có ai trả lời được một cách ngọn ngành câu hỏi “tại sao các doanh nghiệp trong nước chưa thật sự quan tâm đến sản phẩm của các nhà khoa học?” thì phần chia sẻ của TS. Kum Dong Hwa, Viện trưởng VKIST và nguyên viện trưởng Viện KIST (Hàn Quốc) nhiều năm trước, đã gợi mở rất nhiều suy nghĩ. Ông cho rằng, muốn ứng dụng các vật liệu tiên tiến, ngoài sự chủ động của nhà nước thông qua chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và định hướng phát triển, sự chủ động của các viện trường trong việc làm chủ các công nghệ lõi về vật liệu và tạo ra những vật liệu có tính năng mới thì rất cần sự sẵn sàng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh xây dựng đất nước của Hàn Quốc vào những năm 1960-1070, hai công ty LG và Samsung nổi lên nhờ những sản phẩm riêng biệt như bộ nhớ RAM động (DRAM) của Samsung - một loại bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên lưu mỗi bit dữ liệu trong một tụ điện riêng biệt trên một mạch tích hợp; pin lithium của LG – loại pin có mật độ năng lượng cao và rất an toàn do không phải dùng dung dịch điện ly là axit, có thể dùng cho các thiết bị điện tử di động, cầm tay. Nhờ sự kiên trì đầu tư vào công nghệ vật liệu, hai chaebol đã vượt qua khó khăn và trở thành thương hiệu cho quốc gia trên trường quốc tế.
Theo TS. Kum Dong Hwa, thành công của Samsung, LG và những doanh nghiệp khác ở Hàn Quốc là do có sự gặp gỡ của các yếu tố quan trọng: sự hỗ trợ về mặt chính sách, tài chính của chính phủ đối với doanh nghiệp, sự sẵn sàng của doanh nghiệp đầu tư vào R&D, khả năng hỗ trợ của giới khoa học… Trong đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thiết lập các mối quan hệ hợp tác công tư, thiết lập các chương trình, dự án để có thể tạo môi trường cho các nhà khoa học hợp tác với doanh nghiệp. Có lẽ, câu chuyện của TS. Kum Dong Hwa cũng cùng công thức thành công của nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Nhật Bản, Australia, Mỹ… khi cùng tạo ra một môi trường hợp tác thuận lợi để cả nhà nước và giới công nghiệp cùng làm việc.
Bài học thành công mà TS Kum Dong Hwa đưa ra có phải là gợi ý để giải quyết điểm nghẽn của vật liệu Việt Nam? Nhìn vào vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) lưu ý, khi nhắc đến công nghiệp vật liệu thì vai trò của nhà sản xuất phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự được nhà nước ưu đãi khi phát triển các công nghệ thiết yếu, vốn đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn. “Chúng ta chưa có chính sách về tài chính, vốn vay cho các dự án chế biến khoáng sản nói chung. Dĩ nhiên chúng ta không thể hỗ trợ mọi loại dự án đầu tư nên chúng ta cần cân nhắc lựa chọn đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên, có thể tạo ra những vật liệu cần thiết cho các ngành sản xuất quan trọng”, ông nhấn mạnh đến trường hợp của các ngành khai khoáng, chế biến ra những vật liệu thép, hợp kim, nhôm, đồng…
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo lần này sẽ đem lại những gợi ý để hình thành “Đề án phát triển công nghiệp vật liệu đến 2030, tầm nhìn 2045” do Ban kinh tế Trung ương chủ trì.
Thanh Nhàn