SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ nuôi cấy cứu phôi dừa sáp

[27/11/2020 08:25]

Tuy dừa sáp có giá đắt gấp hàng chục lần trái dừa thường, mang lại giá trị kinh tế cao nhưng việc chọn lọc được trái dừa sáp khá “hên xui”. Một quy trình công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp nâng tỉ lệ dừa ra sáp đạt 70-100%, giúp cung cấp giống hình thành vùng nguyên liệu dừa sáp.

Vườn ươm dừa sáp

Trả lời Báo Nông nghiệp, ông Thạch Phu My, Giám đốc HTX Dừa sáp Hòa Tân cho biết, “do sản lượng thấp, không đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp mà HTX đã kí hợp đồng, dẫn đến mất cơ hội mở rộng thị trường”.

Tình trạng không thể chủ động nguồn cung có nguyên nhân đến từ đặc điểm di truyền của dừa sáp: Trong điều kiện bình thường, phôi dừa sáp không thể nảy mầm.

Hiểu rõ nút thắt này, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Công ty Cổ phần KHCN Nông nghiệp Anh Đào đã nghĩ tới phương pháp nuôi cấy phôi, hay còn gọi là “cứu phôi”, phôi trái dừa sáp được lấy ra nuôi dưỡng trong điều kiện dinh dưỡng đặc biệt sẽ phát triển thành cây hoàn chỉnh và mang đặc tính đột biến cho sáp từ năm 2013. Tuy nhiên thời gian này quy trình ươm còn nhiều hạn chế và cần được hoàn thiện như: tỉ lệ phôi phát triển thành cây khỏe mạnh, sạch bệnh còn thấp (55%), tỉ lệ phôi biến dị cao, môi trường tạo cây hoàn chỉnh chưa phù hợp với tiêu chuẩn đưa cây ra vườn ươm (bộ rễ phát triển yếu, chỉ phát triển rễ cọc, không có hoặc có ít rễ thứ cấp, lá nhỏ, thân nhỏ).

Trong ba năm thực hiện nhiệm vụ, hoàn thiện quy trình sản xuất giống dừa sáp (Makapuno coconut) bằng công nghệ NCCP trên quy mô công nghiệp” - DA.CT-592.19.2017 là cơ hội lớn cho Công ty Cổ phần KHCN Nông nghiệp Anh Đào đã hoàn thiện được qui trình nuôi cấy cứu phôi dừa sáp ở giai đoạn phòng thí nghiệm với ưu điểm là chỉ sử dụng một môi trường từ khi đưa phôi vào nuôi cấy đến khi mang cây con ra khỏi ống nghiệm và đưa ra vườn ươm. Sản xuất thử nghiệm được trên 7 ngàn cây dừa sáp trong phòng thí nghiệm, cây con phát triển tốt, có 3 – 4 lá, chiều cao cây 15-20 cm, có bộ rễ khỏe mạnh. Từ những thành công trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được quy trình nuôi cây dừa sáp giai đoạn vườn ươm quy mô công nghiệp với tỉ lệ thành công đạt 88,94% trong thời gian ươm 6,5 tháng.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu còn tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố phèn (Al, độ pH) và khả năng chịu mặn (Nacl) của phôi. "Chúng tôi huấn luyện cây con ở vườn ươm chịu được độ mặn ≤ 9‰ và chịu phèn ở pH đất từ 5,6 – 6,5, hàm lượng phèn nhôm Al2(SO4)3 từ 0 – 0,95 g/kg giá thể để cây thích nghi tốt ở vườn trồng. Sản xuất được trên 6 ngàn cây dừa sáp NCCP ở vườn ươm có 5 – 6 lá trở lên, cây sinh trưởng tốt, chiều cao 50-60 cm, với bộ rễ khỏe" – TS Hồng nói.

Nghiên cứu phôi dừa trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Để đánh giá khả năng thích nghi của cây dừa sáp NCCP trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhóm nghiên cứu đã trồng thử nghiệm 1 ha dừa sáp trên vùng đất nhiễm phèn ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và 1 ha mô hình tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Kết quả cho thấy, cây có tỉ lệ sống cao (≥97%), sinh trưởng cân đối, ít sâu bệnh hại. Dự kiến mô hình sẽ mang lợi nhuận sau bốn năm trồng và cho tỉ lệ lãi ròng/chi phí đầu tư đạt từ 143%-339%, cao hơn gấp 1,3 – 2 lần so với mô hình trồng dừa sáp truyền thống và gấp 20 lần so với mô hình trồng dừa ta địa phương.

Ngoài ra, Dự án cũng trồng thử nghiệm 3ha dừa sáp nuôi cấy cứu phôi trên vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn huyện Nhà Bè, TPHCM. Trong đó mô hình 2 ha dừa sáp nuôi cấy cứu phôi một năm tuổi với tỉ lệ cây sống cao trên 90%, cây sinh trưởng tốt và ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh hại sau hai năm trồng. Mô hình 1 ha ở giai đoạn trưởng thành sinh trưởng tốt, năng suất trái sáp đạt 45 – 57 trái/cây/năm, tỉ lệ trái sáp đạt từ 75,4 – 86,7%, dạng trái đặc.

“Việc thực hiện thành công quy trình sản xuất giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp và trồng trên đất nhiễm phèn mặn, góp phần giải quyết nhu cầu của thị trường về giống dừa sáp hiện nay. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn khi trồng giống dừa sáp nuôi cấy cứu phôi, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ chế biến các sản phẩm từ dừa sáp có giá trị cao trong nhiều lĩnh vực”, TS Hồng cho biết.

Kiều Anh

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ