Thành phố rượu vang dưới lòng đất
Moldova hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu. Nhưng có một thứ mà nền kinh tế dựa vào nông nghiệp của nước này lại không hề thiếu, đó chính là nho.
Hầm rượu vang dưới lòng đất của Cricova, dài gần 120 km. Ảnh: FrimuFilms
Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi do không giáp biển và có diện tích hết sức khiêm tốn (33.700 km2, tương đương với đảo Hải Nam), Moldova lại sở hữu điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp, trong đó có nghề trồng nho. Nước này có nhiều đồi núi thấp, đồng bằng ngập tràn ánh nắng với hai con sông chính Dniester và Prut chảy qua (cùng vô số sông phụ khác), bên cạnh khí hậu ôn hòa – đặc trưng của vùng Biển Đen.
Rượu vang từ lâu đã là sản phẩm nổi tiếng nhất của Moldova và được ưa chuộng từ Tây sang Đông. Đã có thời, cứ hai chai rượu vang được tiêu thụ ở Liên Xô cũ, thì có một được sản xuất và đóng chai tại các vườn nho của Moldova. Theo nhiều nghiên cứu, nghề làm rượu vang truyền thống của Moldova đã có lịch sử cả ngàn năm. Một số bằng chứng khảo cổ cho thấy sự phát triển tự nhiên của nho ở vùng đất này từ khoảng 25 triệu năm trước, trong khi nghề trồng nho và làm rượu vang được ước tính có tuổi đời không dưới 4000 – 5000 năm. Mỗi vườn nho của Moldova thường có hàng ngàn cây được chăm bẵm tử tế, nhưng cảnh tượng “hoành tráng” thực sự lại nằm dưới lòng đất.
Vòi phun rượu vang bên ngoài nhà máy Mileștii Mici. Ảnh: Milestii-mici.md
Tại địa phận làng Mileştii Mici ở quận Ialoveni, miền Trung Moldova, có một khu đường hầm rộng lớn dài hàng trăm dặm chứa đầy rượu vang. Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận, đây chính là hầm rượu vang lớn nhất thế giới với hơn 2 triệu chai được cất giữ trong những căn hầm trải dài gần 200 km (mặc dù chỉ sử dụng hết khoảng 55 km). Khu hầm này vốn thuộc về một mỏ đá vôi cũ trước khi đóng cửa vào năm 1960, sau đó được chuyển đổi mục đích sử dụng thành hầm rượu của Mileștii Mici. Độ ẩm nơi đây luôn được duy trì ở mức cao (85–95%) cùng nhiệt độ mát mẻ (12–14°C) quanh năm, điều kiện lý tưởng cho việc bảo quản rượu vang đỏ (càng lâu năm càng ngon).
Hầm rượu Cricova được trang trí rất đẹp, mang phong cách nghệ thuật ấn tượng. Ảnh: Hans Põldoja/Flickr.
Hầm rượu này lớn tới nỗi người ta phải đặt tên cho các nhánh đường hầm để giúp định hướng, và du khách có thể lái ô-tô hay đạp xe tới từng khu vực. Nhà máy Cricova gần đó cũng sở hữu một mạng lưới đường hầm với quy mô không kém phần khổng lồ – dài khoảng 120 km, được ghi nhận là hầm rượu lớn thứ hai trên thế giới, nơi cất giữ gần 1,5 triệu chai vang quý hiếm, trong đó có chai “Jerusalem of Easter” xuất xưởng năm 1902, hay bộ sưu tập cá nhân của lãnh đạo Đức Quốc xã Hermann Göring (1893 – 1946). Khi quân đoàn của Hitler xâm lược Liên Xô, những thùng gỗ lớn tại đây đã được sử dụng để che giấu người Do Thái khỏi cuộc truy bức. Cũng giống như Mileștii Mici, các đường hầm rộng lớn dưới lòng đất của Cricova đều được đặt tên theo các giống nho nổi tiếng như Cabernet, Pinot Noir, Chardonnay, Sauvignon, Feteasca, Aligote, Muscat Street, … Có những hầm rộng tới mức xe tải lớn cũng có thể chạy qua.
Bên trong hầm rươụ của Mileștii Mici. Ảnh: Maps
Từ nhiều năm nay, khoảng một phần ba lượng rượu vang do Moldova làm ra được xuất sang Nga. Nhưng gần đây, mối quan hệ giữa hai nước bỗng trở nên xấu đi khi Chính phủ Moldova bày tỏ mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và cả NATO. Điều này khiến tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận và quyết định áp đặt lệnh trừng phạt, cấm nhập khẩu rượu vang Moldavia. Nhưng điều trớ trêu là bản thân ông Putin cũng là một người đặc biệt yêu thích rượu vang xuất xứ từ Moldova, thậm chí ông còn tổ chức sinh nhật lần thứ 50 của mình tại hầm rượu Cricova.
Moldova (diện tích 33.846 km2, dân số 3,66 triệu người) là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu với GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 4500 USD/năm (mức lương trung bình 270 USD/tháng).
Từng thuộc Liên Xô cũ nhưng sau khi tan rã, kinh tế Moldova lâm vào cảnh sa sút và gặp nhiều khó khăn, bắt nguồn từ sự mất cân đối cơ cấu nghiêm trọng, phụ thuộc quá lớn vào năng lượng nhập khẩu (chủ yếu từ Nga), tỷ lệ nợ nước ngoài tăng cao và thiếu khả năng chi trả. Những năm gần đây, Moldova đang loay hoay trong quá trình đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế. Bên cạnh các thỏa thuận với WB và IMF, có thời điểm chính phủ nước này còn cho phát hành tiền mới, thả nổi giá cả, lãi suất, ngừng trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ tư hữu hóa đất đai, bãi bỏ các rào cản xuất khẩu,… nhằm khuyến khích tăng trưởng.
Do không có nhiều tài nguyên khoáng sản song lại được thiên nhiên ưu đãi khí hậu thuận lợi, Moldova vẫn đang phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhất rau quả, rượu vang, thuốc lá, … Nước này có rất nhiều người làm nghề trồng nho và sản xuất rượu vang (nổi tiếng thế giới, đa phần để phục vụ xuất khẩu), với tổng diện tích các vườn nho lên tới gần 147.000 ha.
Hải Đăng tổng hợp