SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bổ sung vitamin D có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư giai đoạn cuối

[27/11/2020 09:37]

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã cố gắng xác định mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh ung thư.

Hình minh họa. Nguồn:CC0 Public Domain

Các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện ra rằng những người sống gần đường xích đạo, nơi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tạo ra nhiều vitamin D hơn, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do một số bệnh ung thư thấp hơn. Trong các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm và trên mô hình chuột, vitamin D cũng được phát hiện có tác dụng làm chậm sự tiến triển của ung thư. Nhưng kết quả của các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên ở người vẫn chưa mang lại câu trả lời rõ ràng. Thử nghiệm Vitamin D và Omega-3 (VITAL) tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ, Harvard, kết thúc vào năm 2018, phát hiện ra rằng vitamin D không làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư nói chung, nhưng có thể giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Bây giờ, trong một phân tích thứ cấp của VITAL, một nhóm do các nhà điều tra tại Harvard dẫn đầu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc bổ sung vitamin D và nguy cơ ung thư di căn hoặc tử vong.

Trong một bài báo được xuất bản trên JAMA Network Open, nhóm nghiên cứu báo cáo rằng vitamin D có liên quan đến việc giảm tổng thể 17% nguy cơ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Khi nhóm nghiên cứu chỉ xem xét những người tham gia có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường, họ nhận thấy nguy cơ giảm đến 38%, cho thấy khối lượng cơ thể có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa vitamin D và giảm nguy cơ ung thư giai đoạn cuối.

“Những phát hiện này cho thấy rằng vitamin D có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư giai đoạn cuối," Paulette Chandler, bác sĩ và nhà dịch tễ học tại Phòng y tế dự phòng của Bệnh viện Brigham, đồng tác giả báo cáo, cho biết. "Vitamin D là một chất bổ sung sẵn có, rẻ tiền và đã được sử dụng và nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Phát hiện của chúng tôi, đặc biệt là việc giảm mạnh nguy cơ ở những người có cân nặng bình thường, cung cấp thông tin mới về mối quan hệ giữa vitamin D và bệnh ung thư giai đoạn cuối."

Nghiên cứu VITAL là một nghiên cứu nghiêm ngặt, có đối chứng với giả dược, diễn ra trong hơn 5 năm. Đối tượng nghiên cứu của VITAL bao gồm nam giới từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ từ 55 tuổi trở lên không bị ung thư khi thử nghiệm bắt đầu. Đối tượng nghiên cứu đa dạng về chủng tộc và sắc tộc. VITAL được thiết kế để kiểm tra tác dụng độc lập của các chất bổ sung vitamin D và omega-3 cũng như kiểm tra sức mạnh kết hợp giữa hai chất này. Những người tham gia được chia thành bốn nhóm: vitamin D (2000 IU/ngày) cộng với omega-3; vitamin D cộng với giả dược; omega-3 cộng với giả dược; và chỉ dùng giả dược. Tiêu chí chính của nhóm nghiên cứu là các biến cố tim mạch bất lợi chính và tỷ lệ mắc ung thư. VITAL không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ ung thư nói chung, nhưng các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự giảm thiểu nguy cơ tử vong do ung thư.

Trong phân tích thứ cấp của họ, Chandler và các đồng nghiệp đã theo dõi khả năng phát triển ung thư giai đoạn cuối (di căn hoặc tử vong) ở những người tham gia (thuộc các nhóm được bổ sung và không được bổ sung vitamin D trong quá trình thử nghiệm). Họ cũng kiểm tra tác động của BMI.

Trong số hơn 25.000 người tham gia nghiên cứu VITAL, 1.617 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xâm lấn trong vòng 5 năm tới. Bao gồm một loạt các bệnh ung thư (vú, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, phổi, v.v.). Trong số gần 13.000 người tham gia được uống vitamin D, 226 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối; trong khi nhóm uống giả dược có đến 274 mắc.

Trong số 7.843 người tham gia được uống vitamin D và có chỉ số khối cơ thể bình thường (BMI dưới 25), chỉ 58 người mắc ung thư giai đoạn cuối; trong khi nhóm dùng giả dược (và cũng có BMI dưới 25) có đến 96 người mắc ung thư giai đoạn cuối.

Mặc dù những phát hiện của nhóm nghiên cứu về chỉ số BMI có thể là do ngẫu nhiên, nhưng có bằng chứng trước đó cho thấy khối lượng cơ thể có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của vitamin D. Béo phì và các chứng viêm liên quan có thể làm giảm hiệu quả của vitamin D. Ngoài ra, các thử nghiệm ngẫu nhiên về vitamin D và bệnh tiểu đường loại 2 đã tìm thấy lợi ích lớn hơn của vitamin D ở những người có cân nặng bình thường, trong khi vitamin D lại không có lợi ở những người bị béo phì.

Tình trạng thiếu vitamin D hiện đang phổ biến ở bệnh nhân ung thư, với tỷ lệ lên tới 72%.

Chandler cho biết: "Phát hiện của chúng tôi, cùng với kết quả từ các nghiên cứu trước đây, hỗ trợ việc đánh giá liên tục để bổ sung vitamin D để ngăn ngừa ung thư di căn — một mối liên hệ hợp lý về mặt sinh học."

Phạm Nhật

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ