SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Những quốc gia nào đã sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19?

[08/12/2020 10:01]

Hiện một số quốc gia trên thế giới đã sẵn sàng cho đợt tiêm vaccine Covid-19 với quy mô lớn, trong đó Việt Nam sẽ chính thức thử nghiệm vào 10/12 tới đây.

Nhiều quốc gia đã sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19. Ảnh minh họa

Anh bắt đầu tiêm vaccine Pfizer từ ngày 8/12

Các lô vaccine Pfizer/BioNTech đầu tiên đã được giao đến Anh, dự kiến sẽ có 800.000 liều tiêm. Những người đầu tiên được tiêm vaccine là bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên, đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện và những người đã xuất viện sau một thời gian dài điều trị. Các bệnh viện sẽ mời nhóm người trên 80 tuổi đến tiêm vaccine và làm việc với các viện dưỡng lão để đưa nhân viên y tế tới tiêm chủng tại chỗ. Nhân viên y tế có nguy cơ cao mắc Covid-19 sẽ được hẹn tiêm mà không báo trước. Những người được tiêm mũi đầu tiên sẽ tiêm mũi thứ hai vào 21 ngày sau.

Các lô vaccine được giao tới Anh ngày 6/12 trong các thùng siêu lạnh, 2 ngày trước khi đưa vào chương trình tiêm chủng cộng đồng đầu tiên với vaccine Pfizer trên thế giới. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện tại khoảng 50 trung tâm trong bệnh viện ở Anh. Scotland, Wales và Bắc Ireland cũng bắt đầu triển khai tiêm chủng vào cùng ngày 8/12.

Các chính phủ và cơ quan y tế trên toàn thế giới sẽ theo dõi chương trình tiêm chủng của Anh để ghi nhận thành công và thất bại của chương trình, điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp. Louise Coughlan, Dược sĩ trưởng tại Croydon Health Services NHS Trust cho biết "rất tự hào", sau khi được ủy thác để nhận vaccine.

Anh đã đặt được 40 triệu liều vaccine Pfizer, có thể tiêm cho 20 triệu người. Chính phủ Anh chỉ tiêm chủng cho người trên 16 tuổi, khoảng 55 triệu dân sẽ đủ điều kiện. Anh đã mua tổng cộng 357 triệu liều của 7 ứng viên vaccine, trong đó 100 triệu liều vaccine của Oxford rẻ hơn và có hiệu quả thấp hơn so với vaccine Pfizer hoặc Moderna. Giờ đây, các đợt vaccine đầu tiên được bàn giao từ nhà máy sản xuất của Pfizer ở Bỉ, các kiểm tra cần thiết được công ty hậu cần y tế chuyên nghiệp thực hiện nhằm đảm bảo không có thiệt hại khi vận chuyển. Quá trình này có thể mất một ngày. Nhìn chung, Anh hy vọng 99% người có nguy cơ tử vong do Covid-19 sẽ được tiêm chủng trong giai đoạn đầu.

Moskva mở hàng chục điểm tiêm chủng vaccine Sputnik

Theo thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin, Nga, có hàng nghìn bác sĩ, giáo viên và những người có nguy cơ cao đã đăng ký tiêm vaccine Covid-19 tại 70 phòng khám ở Moskva, ngày 5/12. Trong 5h đầu tiên, 5.000 người đã đăng ký tiêm chủng. Các giáo viên, bác sĩ, nhân viên xã hội, những người phải mạo hiểm sức khỏe và mạng sống hàng ngày nhất.

Việc tiêm chủng diễn ra 3 ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh khởi động chiến dịch tiêm chủng Covid-19 "quy mô lớn", với tuyên bố hơn 2 triệu liều vaccine Sputnik V đã sẵn sàng.

Tổng thống Putin nhấn mạnh giáo viên và nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Tiêm chủng được thực hiện theo cơ sở tự nguyện, công dân Nga được tiêm miễn phí. Những người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và người có vấn đề hô hấp trong vòng hai tuần trở lại đây sẽ không nằm trong diện được tiêm vaccine. Bộ Y tế Nga, Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đã tuyên bố Sputnik V đạt hiệu quả 95% theo phân tích lần thứ 2 về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Hiện có khoảng 40.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm Sputnik V giai đoạn 3, trong đó hơn 22.000 người tiêm liều đầu tiên và khoảng 19.000 người đã tiêm cả hai liều.

Trung Quốc chuẩn bị tiêm chủng Covid-19 quy mô lớn

Trung Quốc đang trong khâu cuối cùng chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 quy mô lớn, trong khi các thử nghiệm lâm sàng vẫn diễn ra đồng thời. Trước đó, hơn 1 triệu người dân Trung Quốc đã được tiêm chủng. Đây là nhóm dễ nhiễm nCoV nhất. Hiện chưa có thông tin về các tác dụng phụ xảy ra sau tiêm.

Nước này sở hữu ít nhất 5 loại vaccine từ 4 nhà sản xuất, đang được thử nghiệm ở hơn 10 quốc gia, bao gồm Nga, Ai Cập và Mexico. Các chuyên gia y tế cho biết ngay cả khi sản phẩm thành công, có thể chúng sẽ khó thâm nhập vào thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản do các quy tắc phê duyệt nghiêm ngặt. Song Trung Quốc đã lên tiếng đảm bảo bán vaccine cho các nước đang phát triển với giá cả phải chăng.

Theo Wang Junzhi, thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu và phát triển vaccine quốc gia, Trung Quốc sẽ phê duyệt 600 triệu liều vaccine Covid-19 bất hoạt vào cuối tháng 12.

Được biết, vaccine Covid-19 của nước này được phát triển theo công nghệ truyền thống. Khác với vaccine của Pfizer cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C, vaccine Trung Quốc có thể lưu trữ ở mức 2 đến 8 độ C. Các nhà sản xuất vẫn chưa công bố phương pháp phân phối.

Lô vaccine Covid-19 phân phối đầu tiên ở Mỹ không đủ đáp ứng nhu cầu

CNN đưa tin, sau khi được trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo về số lượng liều vaccine COVID-19 trong lô đầu tiên phân phối cho các khu vực, giới chức các tiểu bang nhận ra rằng, không có đủ vaccine để tiêm chủng cho những người được chỉ định là ưu tiên hàng đầu. Theo khuyến nghị từ Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng của CDC, những người Mỹ đầu tiên nên được ưu tiên tiêm chủng là nhân viên y tế tuyến đầu và cư dân viện dưỡng lão, với tổng cộng 24 triệu người trên toàn nước Mỹ.

Các quan chức liên bang ước tính khoảng 40 triệu vaccine COVID-19 sẽ có sẵn vào cuối tháng 12 nếu cả Moderna và Pfizer được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp trong những ngày tới. Tuy nhiên, số lượng ban đầu này chỉ đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người, vì mỗi người cần hai liều. Ngay cả con số này cũng chưa hoàn toàn đầy đủ, vì Pfizer dự kiến chỉ có 6,4 triệu liều vaccine có sẵn vào giữa tháng 12.

Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 từ ngày 10/12

Liên quan tới công cuộc nghiên cứu vaccine Covid-19, Bộ Y tế cho biết, chương trình thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam chính thức bắt đầu từ ngày 10/12.

Đến thời điểm này các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó 3 đơn vị sản là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Bộ Y tế đã chủ động thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi, đàm phán với các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận được nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng phòng chống dịch trong nước.

Theo đó, ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam. Sau đó một tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Song song đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế bày tỏ quan điểm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vaccine đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Đối với đơn vị sản xuất còn lại là POLIVAC, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu đơn vị tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 đồng thời tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vaccine của các quốc gia này.

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thúc đẩy quá trình sản xuất vaccine trong nước và đàm phán, thống nhất với các đơn vị sản xuất vaccine từ nước ngoài, để Việt Nam sớm có được vaccine Covid-19.

An Dương 

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ