Cần có chính sách hỗ trợ người trẻ hiện thực hóa năng lực nghiên cứu
Công bố khoa học của nước ta chủ yếu vẫn tập trung ở các giảng viên, người có kinh nghiệm, chính vì vậy cần có các giải pháp hỗ trợ sinh viên, học viên cao học nhận ra và hiện thực hóa năng lực nghiên cứu của mình.
Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Khát vọng Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11/12 đến 13/12 với 400 đại biểu tham dự. Ảnh: AT
Ngày 12/12, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra Diễn đàn "Bồi dưỡngvà phát huy tài năng trẻ Việt Nam" trong khuôn khổ Đại hội tài năng trẻ lần thứ III.
Tại đây, nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương (Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ: “Tôi vừa có một công bố khoa học trên tạp chí Q1, mức chi phí mà tôi phải đóng là 2.900 USD. Dù Viện cũng đã cố gắng trong khả năng cho phép để hỗ trợ kinh phí, tuy nhiên mức hỗ trợ vẫn không đủ để có thể đăng báo.” Chính vì vậy, chị mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ cho những cá nhân trẻ; các chính sách khích lệ, khen thưởng thích hợp, đúng thời điểm; tăng cường kinh phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nghiên cứu.
Đáng chú ý, theo chị, các tổ chức, viện nghiên cứu nên trao cơ hội để các nhà khoa học trẻ có thể làm chủ nhiệm đề tài. “Hãy lựa chọn chủ nhiệm đề tài dựa trên năng lực cá nhân. Người trẻ có nhiều thời gian, sức lực và năng lượng để tập trung nghiên cứu và cống hiến,” chị nói.
Nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương hiện đang làm việc tại Phòng Công nghệ ADN ứng dụng, Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Chị là đồng tác giả của bằng độc quyền sáng chế năm 2018 "Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions" do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cấp. Ảnh: AT
Đồng tình với ý kiến của nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương, TS Nguyễn Phúc Khải (Phó trưởng bộ môn Hệ thống điện, Trường Đại học Bách Khoa, ĐH Quốc gia TPHCM), công bố khoa học của nước ta vẫn tăng theo từng năm nhưng chủ yếu tập trung ở các giảng viên, người có kinh nghiệm nghiên cứu, chính vì vậy cần có giải pháp hỗ trợ để “các bạn sinh viên, học viên cao học nhận thấy công bố khoa học cũng chỉ là điều hết sức bình thường, hoặc giúp họ nhận ra rằng mình cũng có khả năng làm ra các giải pháp hữu ích, sáng chế để đăng ký sở hữu trí tuệ.”
TS Khải nói thêm, một trong những phương án để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong viện, trường - đó là tận dụng nguồn lực từ xã hội. “Cần có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường. Doanh nghiệp đầu tư cho nhà trường thực hiện nghiên cứu, các sản phẩm từ dự án đầu tư sẽ hỗ trợ trở lại cho cả doanh nghiệp và nhà trường”.
Định kiến giới tính cản bước sự phát triển của cả nam và nữ
TS Hà Thị Thanh Hương hiện là trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo (Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM). Năm 2020, cô đã trở thành người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Early Career Award do Tổ chức nghiên cứu Thần kinh quốc tế trao.
Có mặt tại diễn đàn, TS Hà Thị Thanh Hương (Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM), đặt ra câu hỏi: “Vì sao trong 79 đại biểu có mặt tại hội trường hôm nay chỉ có khoảng 15 đại biểu là nữ?”
Theo TS Hương, đó là do định kiến xã hội. “Rất nhiều những bằng chứng thực nghiệm, nghiên cứu khoa học chứng minh rằng não bộ của nữ và nam hoàn toàn không khác nhau về khả năng khoa học, kỹ thuật”.
“Cha mẹ, cô giáo của các con cho rằng con gái chỉ cần dịu dàng, học nghệ thuật, thêu thùa may vá, nấu ăn, chứ không cần giỏi kỹ thuật”, TS Hà Thị Thanh Hương cho biết. Định kiến đó không chỉ hạn chế sự phát triển của nữ giới, mà còn hạn chế chính sự phát triển của nam giới. “Đàn ông thì phải mạnh mẽ, biết kiềm chế cảm xúc, không được học nghệ thuật hay văn chương. Nhưng nếu ai cũng nghĩ vậy thì làm sao Việt Nam có được những nghệ sĩ tầm cỡ là nam hay những nhà khoa học, kỹ sư tầm cỡ thế giới là nữ?” – chị đặt câu hỏi.
Những định kiến xã hội đó là bức tường cản chân một cá nhân thể hiện tài năng của mình. Đặc biệt, với những nhà tuyển dụng, họ sẽ hạn chế sự thăng tiến của một người phụ nữ vì cho rằng người đó sẽ vướng bận về mặt xã hội – họ sẽ làm mẹ, làm vợ. Chính vì vậy, theo TS Hương, giải pháp chị đưa ra không liên quan đến chính sách nhà nước, mà liên quan đến hành động của mỗi cá nhân trong cuộc sống, “khi chúng ta đóng vai trò là người tuyển dụng, là cấp trên, là người đi trước, hãy tạo điều kiện cho nữ giới đóng góp vào tổ chức của mình. Khi về với gia đình, đừng đánh giá hay hạn chế ước mơ của con cái mình vì giới tính của nó.”
Anh Thư