Nghiệm thu Dự án KH&CN cấp quốc gia: Hoàn thiện và ứng dụng quy trình sản xuất giống, thâm canh bơ, bưởi, cam, hoa lan Hồ Điệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô hàng hóa ở một số tỉnh phía Bắc
Ngày 09/12/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu Dự án KH&CN cấp quốc gia: Hoàn thiện và ứng dụng quy trình sản xuất giống, thâm canh bơ, bưởi, cam, hoa lan Hồ Điệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô hàng hóa ở một số tỉnh phía Bắc, mã số DA.CT - 592.20.2017, thời gian thực hiện 3 năm (từ tháng 9/2017- 9/2020). Chủ nhiệm Dự án: PGS. TS. Lê Tất Khương và cơ quan chủ trì là Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng.
Hội đồng nghiệm thu Dự án gồm có 09 thành viên do GS.TS. Vũ Mạnh Hải, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm Chủ tịch Hội đồng và chủ trì phiên họp.
Thay mặt nhóm triển khai Dự án, ThS. Nguyễn Văn Lam, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã báo cáo tóm tắt quá trình triển khai và các kết quả đạt được của Dự án. Dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra và đạt được những kết quả như sau:
- Hoàn thiện được 02 quy trình nhân giống cây bơ và cây bưởi.
- Hoàn thiện được 03 quy trình thâm canh cây bơ, bưởi, hoa lan Hồ Điệp.
- Xây dựng được 03 mô hình nhân giống:
+ 01 mô hình nhân giống cây bơ: Công suất 10.000 cây/ năm, đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9301:2013 về cây giống bơ – yêu cầu kỹ thuật.
+ 01 mô hình nhân giống cây bưởi - cam: Công suất 50.000 cây/ năm, đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9302:2013 cây giống cam, quýt, bưởi - yêu cầu kỹ thuật.
+ 01 mô hình sản xuất nhân giống hoa lan Hồ Điệp bằng cây nuôi cấy mô công suất 30.000 cây/ năm.
- Xây dựng được 03 mô hình thâm canh sản xuất:
+ 01 mô hình thâm canh cây bơ theo hướng hàng hóa quy mô 03 ha.
+ 01 mô hình thâm canh cây bưởi - cam theo hướng hàng hóa quy mô 20 ha.
+ 01 mô hình sản xuất hoa lan Hồ Điệp theo hướng quy mô công nghiệp công suất 20.000 cây/ năm.
- Xây dựng được 02 mô hình liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và thương mại hóa sản phẩm:
+ 01 mô hình liên kết kinh doanh và tiêu thụ quả (bơ, bưởi).
+ 01 mô hình liên kết kinh doanh và tiêu thụ hoa lan Hồ Điệp.
Trong 3 năm thực hiện, Dự án đã đem lại những đóng góp mới về công nghệ: Hoàn thiện kĩ thuật ủ mắt ghép trong quy trình nhân giống bơ, bưởi và cam; Hoàn thiện quy trình xử lý nhiệt tại chỗ cho Hoa lan Hồ điệp; Hoàn thiện quy trình thâm canh nâng cao chất lượng quả Bưởi, Bơ đồng thời đưa ra các định hưỡng phát triển cây ăn quả trên vùng gò, đồi, vùng bán sơn địa khu vực Miền bắc; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
11 mô hình trình diễn, sản xuất kinh doanh và chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc Dự án có tính bền vững, khả năng ứng dụng cao, hiệu quả kinh tế tăng gấp 5-20 lần so với sản xuất các loại cây nông lâm nghiệp phổ biến khác như: lúa, ngô, sắn, rau màu, cây keo, bạch đàn,…
Thay mặt cho Hội đồng, GS. TS. Vũ Mạnh Hải đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Dự án. Những đóng góp của Dự án là rõ ràng, có tính thực tế và hiệu quả cao. Bản báo cáo của nhóm nghiên cứu đã có sự đầu tư hoàn thiện và đạt chất lượng khá tốt. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đã khắc phục được rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện để có thể đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu đề ra. Giáo sư cũng nhấn mạnh, nhóm nghiên cứu cần đề ra một kế hoạch cụ thể đối với các mô hình cũng như các lộ trình áp dụng, chuyển giao các kết quả của Dự án trong tương lai.
Sau quá trình làm việc, đại diện Hội đồng nghiệm thu công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, tất cả các thành viên trong Hội đồng đều thông qua phiếu đánh giá với 9/9 phiếu đồng ý Dự án đạt yêu cầu và chỉnh sửa một số nội dung theo yêu cầu của Hội đồng.
Kết thúc phiên họp, ThS. Nguyễn Văn Lam thay mặt nhóm nghiên cứu gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, các vụ, ban, ngành liên quan đã quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ để Dự án hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt kết quả tốt./.
Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng