Hơn 300 loài cá mập, cá đuối bị đe dọa tuyệt chủng
Trong số 300 loài có nguy cơ tuyệt chủng có 4 loài cá mập đầu búa, 4 loài cá nhám dẹt và cá đuối khổng lồ.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
31 loài động vật và cá đã bị tuyên bố tuyệt chủng và hơn 300 loài cá mập và cá đuối hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế trong một báo cáo mới công bố.
Trong số những loài sắp tuyệt chủng có 4 loài cá mập đầu búa, 4 loài cá nhám dẹt và cá đuối khổng lồ. Báo cáo của tổ chức này cho thấy một bức tranh ảm đạm về sức khỏe của các đại dương trên thế giới và các "cư dân" trong đại dương, đồng thời nêu bật mối đe dọa của việc đánh bắt quá mức.
"Đáng buồn là những phát hiện này không ngoài dự đoán," Andy Cornish, người đứng đầu chương trình bảo tồn cá mập và cá đuối của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, cho biết. ''Kế hoạch Hành động Quốc tế về Cá mập đã công nhận hiểm họa từ việc đánh bắt. Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa có nhiều hành động ngăn chặn việc đánh bắt quá mức đang đẩy những loài động vật này đến bờ vực tuyệt chủng."
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế thường xuyên theo dõi tình trạng của các loài động thực vật trên thế giới và cung cấp các báo cáo có thẩm quyền nhất về những loài đang bị đe dọa, trong tình trạng đặc biệt nguy cấp hoặc đã tuyệt chủng.
Trong bản báo cáo mới công bố, tổng số 316 loài cá mập, cá đuối, hiện được phân loại là "bị đe dọa" hoặc có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Theo đánh giá, tất cả các loài cá heo nước ngọt trên thế giới hiện cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Báo cáo cho biết có một loài cá mập bị mất tích, Carcharhinus obsoletus, sống ở Biển Đông và được ghi nhận lần cuối vào năm 1934, có thể đã bị tuyệt chủng do đánh bắt quá mức tại một trong những vùng biển bị đánh bắt và buôn bán nặng nề nhất trên hành tinh.
Tuy nhiên, báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cũng tìm thấy một số tia hy vọng. Bò rừng châu Âu, loài động vật có vú trên cạn lớn nhất ở châu Âu, đang có dấu hiệu phục hồi, với dân số trong tự nhiên tăng từ 1.800 vào năm 2003 lên hơn 6.200 vào năm 2019. Loài này đã được đưa trở lại tự nhiên vào những năm 1950 và đã trở thành tâm điểm của các chiến dịch bảo tồn dài hạn trong nhiều thập kỷ kể từ đó. Theo tổ chức này, hiện có 47 đàn bò rừng châu Âu thả rông, với số lượng lớn nhất được tìm thấy ở Ba Lan, Belarus và Nga.
Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 25 loài khác cũng đang phục hồi, bao gồm cả một loại ếch cây có nguồn gốc từ Mexico.
Những thành công này "cung cấp bằng chứng sống động rằng thế giới có thể đặt ra và đáp ứng các mục tiêu đa dạng sinh học đầy tham vọng,'' Jane Smart, giám đốc toàn cầu của nhóm bảo tồn đa dạng sinh học, cho biết trong một tuyên bố.
Phạm Nhật