Sinh viên biến rác nhựa thành gạch cách âm, cách nhiệt
Loại gạch này với ưu điểm dễ dàng chế tạo, có khả năng cách nhiệt 90%, cách âm 70%, không bắt cháy ở điều kiện thường.
Thu gom và tận dụng những hộp cơm, ly nhựa thải ra ngoài môi trường, nhóm sinh viên năm 3 khoa kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) tìm cách chế tạo rác nhựa thành loại gạch nhẹ, có thể cách âm và tái chế.
Sinh viên Lạc Dân Hy, trưởng nhóm cho biết, loại gạch này có thể sử dụng làm lát nền, tấm lót tường chống nóng. Thành phần nhựa cũng giúp tránh thấm nước và nhẹ hơn so với gạch truyền thống. Sau khi sản phẩm xuống cấp thì hoàn toàn có thể tái chế được.
Để sản xuất gạch nhẹ, có ba công đoạn chính. Đầu tiên, hộp ly nhựa được cắt và nghiền nhỏ theo dạng hạt kích thước 0,5 mm để sản phẩm đạt được độ mịn nhất định. Sau đó trộn đều xi-măng, nước cùng với hạt nhựa và chất kết dính. Hỗn hợp được đổ vào khuôn và phơi khô hoặc sấy trong vòng 24 giờ.
Mặc dù quy trình chế tạo có thể dễ dàng thực hiện nhưng bước quan trọng nhất là tìm ra đúng tỷ lệ hạt nhựa và xi-măng khi trộn vào hỗn hợp. Theo Dân Hy, để ra một thành phẩm có thể sử dụng được, nhóm phải thử nghiệm hơn 30 lần trong nhiều tháng bởi nếu không đúng tỉ lệ, gạch sẽ không thể đủ độ cứng, dễ vỡ.
Nhóm tiến hành nhiều bài kiểm tra về khả năng chịu uốn, chịu nén và độ mài mòn của sản phẩm. Qua nhiều lần thực hiện, nhóm đã tìm ra công thức tối ưu để chế tạo. Một viên gạch thành phẩm có thể được tạo ra từ 500g nhựa, chiếm khoảng 50% khối lượng gạch, 50% xi măng và 10% lượng bùn thải.
Tùy vào từng ứng dụng, gạch được định hình những dạng khác nhau, tỷ lệ nhựa trộn trong gạch cũng thay đổi tương ứng. So với sản phẩm gạch thông thường, gạch có ưu điểm là nhẹ, độ bền cao. Sản phẩm gạch đạt tiêu chuẩn mác bê tông M50 của Việt Nam với khả năng cách nhiệt 90%, không bắt cháy ở điều kiện thường và khả năng cách âm khoảng 60 - 70%.
Thành viên nhóm nghiên cứu của dự án biến rác thải nhựa thành gạch. Ảnh: NVCC.
Dân Hy cho biết, với quy trình sản xuất đơn giản, nhiều hộ gia đình cũng có thể tự làm gạch nhẹ để xây dựng các công trình nhỏ mà không cần thiết bị phức tạp. "Nhóm đã nhận được hợp tác từ một công ty tái chế để có thể nhân rộng sản phẩm này. Giai đoạn đầu nhóm sẽ thực hiện khảo sát tại Hà Nội về tiềm năng sử dụng sản phẩm", Hy nói.
Nguyễn Xuân