SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kế hoạch chuyển đổi số Bộ TT&TT: Sớm hình thành hệ sinh thái số

[13/01/2021 09:25]

Việc xây dựng, thực hiện kế hoạch cho một giai đoạn luôn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, điều hành. Và một trong những giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu chính là ban hành kế hoạch cụ thể.

Kế hoạch nêu rõ: Người đứng đầu tại mỗi đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng việc gắn nhiệm vụ về ứng dụng CNTT với mục tiêu CĐS - Ảnh minh họa (Internet)

Vì những lý do đó, đồng thời nhằm thúc đẩy, phát triển hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số (CĐS) toàn ngành TT&TT, Bộ TT&TT vừa ban hành, phê duyệt Kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025 - Hình thành hệ sinh thái số trong Bộ.

Thực hiện thành công nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Theo đó, Kế hoạch gồm 05 danh mục dự án (Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng - dịch vụ, an toàn thông tin), 06 nhóm nhiệm vụ (Tổ chức, tuyên truyền, duy trì - vận hành hệ thống thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, số hóa, tổng kết - đánh giá).

Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh cụ thể 27 nhiệm vụ trọng tâm giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ cần tích cực triển khai trong năm 2021 như: Duy trì, vận hành, nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu dùng chung của Bộ; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; phát triển môi trường cộng tác MyMinistry của Bộ TT&TT; xây dựng Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử (CPĐT)…

Cụ thể, Bộ TT&TT quyết tâm chỉ đạo toàn ngành TT&TT thực hiện hiệu quả các mục tiêu tổng quát, trong đó đổi mới, tiên phong trong việc: Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây (Cloud First); phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ CNTT sẵn có.

Đồng thời, sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong các hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công thuận tiện theo phương thức số (dịch vụ số), mang lại giá trị gia tăng cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đẩy mạnh việc cung cấp dữ liệu mở, hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối, truy cập, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong, ngoài bộ và cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia.

Kế hoạch nhấn mạnh mục tiêu:"Thực hiện đầy đủ, thành công các nhiệm vụ, giải pháp giao cho Bộ TT&TT tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Năm 2021-2023: Nền tảng dữ liệu "từ một nguồn"

Theo Kế hoạch, các mục tiêu về hạ tầng, ứng dụng được xây dựng cụ thể qua từng năm như:

Hiện đại hóa hạ tầng CNTT

Năm 2021: Đảm bảo Mạng diện rộng của Bộ đáp ứng tối thiểu 60% lưu lượng truy nhập nội bộ vào các hệ thống thông tin, CSDL của Bộ (giảm bớt phụ thuộc vào Internet).

Năm 2021-2023: Hình thành mạng lưới trung tâm dữ liệu dự phòng nhiều điểm, đáp ứng 80% nhu cầu lưu trữ, tính toán và xử lý dữ liệu của Bộ, có tính sẵn sàng, độ ổn định cao; thiết lập hạ tầng điện toán đám mây riêng của Bộ, chuyển đổi tài nguyên kỹ thuật (mạng, máy chủ, lưu trữ) thành các dịch vụ đám mây, sẵn sàng ghép nối với nhiều đám mây để hình thành mô hình đám mây thống nhất, linh hoạt; triển khai nền tảng dữ liệu theo nguyên tắc "dữ liệu từ một nguồn"...

Về ứng dụng CNTT trong nội bộ:

Năm 2021: Đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã được cấp chứng thư số sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản, tài liệu điện tử; 100% chỉ số phát triển ngành TT&TT được kịp thời cập nhật và trình chiếu trên bảng hiển thị số liệu (dashboard); 100% nhiệm vụ giao xuống các đơn vị thuộc Bộ được cập nhật trên Hệ thống theo dõi nhiệm vụ...

Năm 2022: 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT (không bao gồm nội dung mật) được ký số, gửi qua Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, chia sẻ với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành...

Năm 2023: 100% CSDL chuyên ngành của Bộ được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trong hoạt động của Bộ; 100% cán bộ, công chức, viên chức được định kỳ hàng năm tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó, 30% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu...

Năm 2024: 100% đơn vị thuộc Bộ sử dụng ứng dụng về quản lý nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thi đua - khen thưởng; 90% ứng dụng, phần mềm phục vụ công việc của CBCCVC Bộ TT&TT được đưa lên đám mây, dưới dạng một giao diện sử dụng, tương tác duy nhất...

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN)

Năm 2021: Đảm bảo 90% người dân, DN hài lòng về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; 70% hồ sơ thủ tục hành chính nộp (bao gồm trực tiếp và trực tuyến) được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng...

Năm 2022: Cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử, kịp thời trao đổi, giải đáp thắc mắc, kiến nghị tổ chức, cá nhân; hoàn thiện 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần và thanh toán điện tử (nếu dịch vụ cần được định danh, xác thực, thanh toán)...

Năm 2023: Phát triển, chuyển đổi toàn bộ dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn tại các đơn vị thuộc Bộ sang dữ liệu số.

Năm 2024: Mở dữ liệu của các đơn vị thuộc Bộ theo đúng quy định của pháp luật; làm trước đối với dữ liệu thuộc lĩnh vực viễn thông, Internet; ứng dụng CNTT, phục vụ nhu cầu tra cứu, thực hiện dịch vụ công và các nhu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài Bộ.

Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số tập trung

Bên cạnh những mục tiêu cụ thể đề ra, kế hoạch cũng nêu ra các nhiệm vụ cần thực hiện như: Hoàn thiện môi trường pháp lý; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; xây dựng - phát triển nền tảng số; phát triển dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; Bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng; Phát triển nguồn nhân lực...

Hoàn thiện môi trường pháp lý: Đảm bảo duy trì, cập nhật Kiến trúc Bộ TT&TT điện tử và các văn bản hướng; xây dựng, ban hành quy định mức độ tối thiểu đối với thông số kỹ thuật của thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại; bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành về ứng dụng CNTT và ATTT phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích thuê dịch vụ CNTT và ATTT…

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số: Kết hợp mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng diện rộng, nội bộ thành một hạ tầng mạng khép kín; quy hoạch các trung tâm dữ liệu thuộc Bộ, kết nối trực tiếp với hệ thống trung chuyển Internet quốc gia (VNIX); tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số tập trung; chuyển đổi toàn bộ mạng lưới, hệ thống thông tin, ứng dụng CNTT sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)…

Xây dựng, phát triển nền tảng số: Hoàn thiện hệ thống xác thực điện tử dùng chung MicConnect và mở rộng triển khai cơ chế đăng nhập một lần cho các hệ thống thông tin tại các đơn vị thuộc Bộ; sẵn sàng liên thông với Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia (NIXA); xây dựng bộ công cụ ký số cho các giao dịch trên môi trường mạng, hoàn thiện nền tảng cung cấp DVC trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử; thực hiện hệ thống hóa mã định danh, quản lý danh mục điện tử chung...

Phát triển dữ liệu: Thiết kế kiến trúc dữ liệu tổng thể, các định dạng gói tin, danh mục chỉ mục dữ liệu và dịch vụ dữ liệu chia sẻ; thiết lập Kho dữ liệu điện tử dùng chung; triển khai kết nối, liên thông dữ liệu từ các hệ thống, cơ sở dữ liệu đang hoạt động (trong Bộ và ngoài Bộ) thông qua các hệ thống, nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ (LGSP), của quốc gia (VDXP, NGSP)...

Phát triển các ứng dụng, dịch vụ: Các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ; xây dựng mới, nâng cấp và hoàn thiện các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ cải cách hành chính; hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành; xây dựng mới, nâng cấp các hệ thống, ứng dụng CNTT chuyên ngành như: báo chí, xuất bản, bưu chính, tần số...

Phát triển triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và DN: Hoàn thiện Cổng DVC, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ; triển khai các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của Bộ; hoàn thiện chức năng đánh giá sự hài lòng về chất lượng DVC, chức năng tổng hợp tiến độ, tình hình xử lý thủ tục hành chính...

Bảo đảm ATTT mạng: Xây dựng, ban hành, áp dụng và thường xuyên rà soát quy trình quản lý ATTT; nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống mạng, CSDL và các hệ thống thông tin; triển khai công tác giám sát ATTT mạng toàn diện cho hệ thống máy chủ, máy trạm; thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho CĐS, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng...

Phát triển nguồn nhân lực: Tiếp tục bổ sung, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách CNTT và ATTT; chủ động nghiên cứu, hợp tác, phát triển nguồn nhân lực; thường xuyên tổ chức đánh giá kỹ năng số, có chính sách ưu đãi các cá nhân được giao nhiệm vụ về CNTT và ATTT tại các đơn vị thuộc Bộ...

Các giải pháp thực hiện kế hoạch

Để đảm bảo thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, Bộ TT&TT đã xây dựng các giải pháp cụ thể. Đó là tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số rộng rãi, qua nhiều kênh truyền thông, mà chủ yếu là hệ thống cổng thông tin điện tử và các trang tin điện tử của các đơn vị.

Bộ TT&TT chú trọng, khuyến khích việc tăng cường tương tác giữa CBCCVC và người lao động thuộc Bộ với người dân, DN sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, các mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác).

Bộ cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông về các hệ thống, ứng dụng của Bộ có đối tượng sử dụng là tổ chức, người dân, doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua thư điện tử, ứng dụng di động trực tiếp đến người dùng.

Đặc biệt, người đứng đầu tại mỗi đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng việc gắn nhiệm vụ về ứng dụng CNTT với mục tiêu CĐS, cải cách văn hóa, phương thức làm việc và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số an toàn, tích cực.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT chủ động phối hợp với DN thử nghiệm công nghệ mới, các giải pháp, dịch vụ CNTT dựa trên công nghệ số.

Bộ TT&TT sẽ huy động sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, DN cùng khai thác hệ thống CNTT, các nền tảng và CSDL của Bộ phục vụ việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm CPĐT, chính phủ số số ứng dụng công nghệ mới.

Kiểm tra, đánh giá và công bố các giải pháp, sản phẩm số của DN đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật và giá trị sử dụng trong hoạt động phát triển chính phủ số.

"Triển khai các hoạt động tìm hiểu thực tế mô hình phát triển CPĐT, CĐS thành công tại các nước và tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến quốc tế; quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT, dịch vụ chính phủ số của các DN số Việt Nam...", kế hoạch nêu rõ.

Ngoài các giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, kế hoạch cũng nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ cần cụ thể hóa thực hiện thành các đề án, dự án, công việc rõ thời gian thực hiện và kết quả đầu ra; phải có báo cáo hàng năm và đột xuất tình hình thực hiện Kế hoạch này theo hướng dẫn và yêu cầu của Trung tâm thông tin để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng. Việc tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai các dự án, nhiệm vụ CNTT phải được giao theo đúng quy định pháp luật và kế hoạch ngân sách nhà nước./.

http://mic.gov.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ