Khoa học - công nghệ: Đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng gắn bó mật thiết, đồng hành với mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực; giúp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến
Chuyển biến mạnh mẽ
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, song năm 2020 Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực; trong đó có đóng góp quan trọng của KH&CN. Cụ thể, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Trong lĩnh vực Công Thương, KH&CN đã hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 14,3% năm 2016 lên khoảng 16,9% năm 2020.
Hay, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo, blockchain, eKYC... trong hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trải nghiệm cho khách hàng.
KH&CN cũng góp phần phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, đã nghiên cứu chế tạo thành công chip vi lỏng phát hiện tế bào ung thư phổi chỉ 30 phút; kỹ thuật sử dụng laser quang đông trong can thiệp trước sinh, giúp cứu sống hàng chục trẻ sơ sinh mang dị tật bẩm sinh; chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột…
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2021, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ trọng tâm như: Các chương trình, đề án của Chính phủ; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để KH&CN và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vắc - xin phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ giải pháp tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN để thúc đẩy đổi mới, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hợp tác công - tư trong triển khai dự án công nghệ quy mô lớn.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, phát huy vai trò hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực KH&CN cao từ những tập đoàn hàng đầu thế giới; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về KH&CN, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo; triển khai hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thời gian qua, hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tư duy quản lý đổi mới theo hướng phục vụ trực tiếp tăng trưởng kinh tế, phù hợp tình hình phát triển của đất nước và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Quỳnh Nga