Make in Viet Nam: Những bước khởi đầu
Trên hành trình xây dựng một Việt Nam số trên ba trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Make in Vietnam đã có những bước đi thiết thực trong năm 2020, trong đó có việc tìm kiếm và giới thiệu các nền tảng phục vụ chuyển đổi số.
Ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông). Nguồn: soctrang.gov
Khoa học & Phát triển đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) để nhìn lại những việc đã làm được của Make in Vietnam.
Một trong những thành công trong năm 2020 là có được các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Làm thế nào để chúng “lọt vào mắt xanh” của Bộ Thông tin và Truyền thông?
Cục Tin học hóa tổ chức tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn những nền tảng để giới thiệu, phục vụ chuyển đổi số quốc gia dựa trên các tiêu chí cơ bản sau:
Thứ nhất, đây phải là một nền tảng để có thể triển khai nhanh, toàn diện ở quy mô quốc gia.
Thứ hai, nền tảng phải có sức ảnh hưởng tích cực tới xã hội và nền kinh tế nói chung.
Thứ ba, nền tảng phải được kiểm chứng trên thực tiễn.
Thứ tư là sự khác biệt của nền tảng và phải Make in Viet Nam. Đó có thể là khác biệt đến từ công nghệ, cách triển khai, cách tiếp cận khách hàng, thị trường của doanh nghiệp và có hiệu quả cụ thể. Điều này sẽ thể hiện rõ tâm huyết, quá trình phát triển, xây dựng lực lượng, khả năng làm chủ công nghệ và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo.
Cục Tin học hóa tổ chức các buổi làm việc chi tiết để có thể đánh giá được hết các tiêu chí trên.
Sau khi được giới thiệu, hàng tuần chúng tôi tiếp tục đánh giá mức độ tăng trưởng của các nền tảng này như số lượng khách hàng, người dùng, giao dịch, thậm chí là thương hiệu của doanh nghiệp trên internet. Ví dụ nền tảng Stringee đã có sự tăng trưởng đột biến về khách hàng hay nhiều cơ quan nhà nước đã gọi điện nhờ Cục Tin học hóa kết nối với nền tảng Comeet và Zavi để sử dụng thay thế cho Zoom và các phần mềm họp trực tuyến nước ngoài đang sử dụng.
Theo cách này thì trong năm 2020, Bộ TT&TT đã giới thiệu được 38 nền tảng công nghệ số Make in Viet Nam. Vậy chúng đã thực sự có mặt ở các lĩnh vực trọng tâm của Việt Nam?
Dựa vào danh mục tám lĩnh vực phục vụ phát triển chuyển đổi số mà Thủ tướng phê duyệt thì các lĩnh vực đã có đầy đủ là y tế, giáo dục, quản trị doanh nghiệp…, có thể thấy lĩnh vực còn thiếu các nền tảng trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, logistics và sản xuất công nghiệp. Vì vậy, năm 2021, Cục Tin học hóa sẽ tiếp tục tìm kiếm và giới thiệu những nền tảng Make in Viet Nam này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cần nhìn nhận rằng lĩnh vực logistics là rất quan trọng nếu muốn phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt mục tiêu xa hơn hơn là góp phần giảm chênh lệch giàu nghèo giữa đô thị và miền núi, bằng việc giúp người dân ở những miền núi xa xôi có thể lên mạng kinh doanh và tiếp cận các dịch vụ số.
Có ít nhất 15/38 nền tảng này đến từ các doanh nghiệp lớn trong khi sự sáng tạo thường xuất phát từ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy đây là vấn đề không?
Make in Viet Nam được hiểu là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại người Việt Nam. Make in Viet Nam bao gồm cả những nền tảng truyền thống và sáng tạo.
Quan điểm của Cục Tin học hóa là doanh nghiệp lớn nên tập trung nhiều hơn vào phát triển những nền tảng quy mô quốc gia, còn doanh nghiệp công nghệ số vừa và nhỏ sẽ sáng tạo trên nền tảng đó. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp lớn là tạo ra các nền tảng dần thay thế và cạnh tranh được với các nền tảng nước ngoài và từ đó có thể thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số vừa và nhỏ.
Trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ rất khó để hội tụ đầy đủ các nguồn lực bao gồm con người, nguồn vốn, khả năng quản lý, hạ tầng như doanh nghiệp lớn… để làm được nền tảng ở quy mô lớn. Trong khi đó, họ lại nổi trội ở ý tưởng, sự linh hoạt trong thay đổi, có thể thực hiện bất kể lúc nào miễn sao có được sản phẩm tốt nhất. Việc họ sáng tạo trên những nền tảng của doanh nghiệp lớn cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với hàng chục triệu người dùng, điều mà nếu tự làm thì sẽ rất lâu mới đạt được. Và nếu không có những nền tảng quy mô quốc gia thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam dù sáng tạo cũng chỉ dựa trên platform nước ngoài như Facebook, Google,...
Hệ thống giải pháp Thông minh thế hệ thứ hai của Điện Quang đạt Top 10 Sản phẩm số xuất sắc Make in Viet Nam.
Từ các nền tảng đến dữ liệu là một mạch đi thông suốt và quan trọng với Việt Nam, khi dữ liệu vẫn còn đang tản mát, chưa đồng bộ và khó sử dụng. Trong năm 2021, chúng ta sẽ có thể làm gì với dữ liệu?
Dữ liệu là mảng rất lớn trong chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia, dự kiến năm 2021 sẽ trình Chính phủ để ban hành. Chiến lược dữ liệu quốc gia sẽ định hình hướng phát triển dữ liệu trong tương lai 5 đến 10 năm tới của Việt Nam trong chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay hầu hết người Việt đang sử dụng các nền tảng của nước ngoài và ngày càng giúp các nền tảng này hiểu rõ hơn về người Việt.
Khi có dữ liệu trong tay doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng của Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn, có khả năng cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Hơn nữa, Nhà nước có vai trò tạo điều kiện, hỗ trợ để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, sử dụng dữ liệu trong các nền tảng đúng pháp luật.
Trong năm 2021, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ triển khai các cơ sở dữ liệu lớn. Điển hình là Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về dân cư và CSDLQG về đất đai. Đây là các cơ sở dữ liệu rất quan trọng để làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; làm cơ sở thống nhất, đồng bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
Nghĩa là Nhà nước vẫn nắm sự chủ đạo về phát triển dữ liệu?
Ngoài vai trò đưa ra chiến lược, tạo hành lang pháp lí cho các cơ sở dữ liệu lớn được hình thành, Nhà nước còn có vai trò thúc đẩy để dữ liệu của cơ quan nhà nước sẵn sàng để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Định hướng phát triển dữ liệu trong cơ quan nhà nước là nhà nước xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn cốt lõi, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp có cơ hội khai thác dữ liệu của cơ quan nhà nước để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng cổng dữ liệu quốc gia (https://data.gov.vn/) để tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia của cơ quan nhà nước và các Bộ ngành, đồng thời cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy cộng đồng, các doanh nghiệp công nghệ số tự do sáng tạo, phát triển các giải pháp phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội.
Xa hơn nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số theo theo xu hướng mở. Cụ thể tại Diễn đàn công nghệ mở được tổ chức cuối tháng 11/2020, Cục Tin học hóa đã phát động chương trình hành động năm 2021 bao gồm 10 nhiệm vụ thực hiện về công nghệ mở. Các nhiệm vụ có sự phối hợp cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để thực hiện theo các nhóm chủ đề như phát triển nền tảng điện toán đám mây, nền tảng mở cho Camera thông minh, nền tảng mở cho AI, làm chủ công nghệ mở 5G và dữ liệu mở cho trí tuệ nhân tạo. Đây là phần dữ liệu mở mồi ban đầu do các doanh nghiệp tiên phong phát triển để thúc đẩy đơn vị khác cùng đóng góp trong thời gian tới.
Vậy trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông hóa có kế hoạch nào tiếp theo cho Make in Viet Nam?
Bên cạnh chiến lược dữ liệu như tôi đã nói thì sẽ có ba mảng được Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện để góp phần đưa cuộc sống của người dân Việt Nam lên môi trường số nhanh và an toàn hơn, đặc biệt là với người dân ở vùng nông thôn, miền núi.
Đầu tiên là định danh số. Để có thể kinh doanh, học tập, giao tiếp thoải mái trên môi trường số, chúng ta cần phải biết người đối diện với mình chính xác là ai, ở đâu. Vì thế việc định danh là rất cần thiết. Thương mại điện tử có nhiều giao dịch lừa đảo là do chưa có định danh số. Vì thế, đây là nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế số, phát triển xã hội số bởi lúc ấy mỗi người khi có bất cứ hành động nào cũng đều nhận thức được trách nhiệm.
Hai là thanh toán điện tử. Hiện nay các trung gian thanh toán đã phát triển khá mạnh nhưng tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử vẫn còn thấp đặc biệt, đặc biệt là ở khu vực miền núi. Mobile money sẽ là phương án để mọi người có thể sử dụng tài khoản của di động để thanh toán, từ đó giúp họ có thể tiến hành thanh toán, mua bán trên mạng dễ dàng.
Ba là nền tảng thương mại điện tử. Không chỉ giúp người dân mua bán dễ dàng, thương mại điện tử còn có thể đảm trách nhiệm vụ xóa nghèo cho người dân khi mở rộng thị trường đến vùng nông thôn miền núi. Hãy thử tưởng tượng việc người dân ở vùng sâu vùng xa có thể kinh doanh các sản vật của địa phương hay thực hiện việc kinh doanh tới hàng chục triệu khách hàng trên cả nước sẽ mở ra cơ hội thông thương hàng hóa và cơ hội thành lập những doanh nghiệp theo mô hình mới mà có thể ở thời điểm hiện nay, chúng ta còn chưa hình dung ra hết.
Và điều quan trọng là Việt Nam có thể học hỏi những bài học kinh nghiệm quốc tế?
Ở Trung Quốc, Alibaba đã làm rất tốt việc này và đó có thể là bài học cho Việt Nam nhưng trước mắt cần cải thiện các nền tảng logistics, thanh toán điện tử…. Tất nhiên đây là câu chuyện của thị trường nhưng cơ quan nhà nước sẽ có động thái để dẫn dắt, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Các nền tảng số tốt nhất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tham gia vào Chương trình, cung cấp miễn phí nền tảng của mình trong ba tháng. Sau ba tháng sử dụng đó, nếu doanh nghiệp nhận thấy lợi ích từ những nền tảng này họ sẽ tiếp tục ở lại và trở thành khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp. Đây chính cách Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia để giúp giúp doanh nghiệp tiếp cận với chuyển đổi số dễ dàng,giúp các doanh nghiệp công nghệ số có được thị trường rộng lớn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bích Ngọc