SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích hiệu quả kỹ thuật của các nông hộ trồng nấm rơm ở đồng bằng sông Cửu Long

[09/02/2021 15:57]

Nghiên cứu do hai tác giả Phạm Thị Gấm Nhung và Võ Thành Danh – Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh minh họa

Nấm rơm là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng (protein, chất béo, carbohydrates, chất xơ,…), giàu khoáng chất (kali, natri, canxi và phot pho), chứa nhiều loại vitamin và đặc biệt có nhiều loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được (Verma, 2002). Ở Việt Nam, nghiên cứu và sản xuất nấm ăn bắt đầu từ những năm 1970 của thế kỷ trước đến nay đã làm chủ được công nghệ tạo giống, nuôi trồng, chế biến các loại nấm ăn, nấm dược liệu Đinh Xuân Linh, 2015). Nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nấm ăn như nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn lao động nông thôn dồi dào, thời tiết thuận lợi. Ngành hàng nấm trở thành một ngành mạnh trong tỷ trọng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40,816km2, dân số khoảng 17.660 nghìn người. ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất cả nước, với mật độ canh tác 2 vụ/năm và có vùng canh tác 3 vụ/năm, diện tích sản xuất 4.241 nghìn ha, sản lượng lúa 23.831 nghìn tấn (Tổng cục Thống kê, 2016) nên lượng rơm rạ trên đồng ruộng rất lớn, nhưng sau thu hoạch người nông dân có thói quen đốt rơm rạ, vùi rơm, trồng nấm, chăn nuôi, bán và cho người khác. Tuy nhiên, hình thức đốt rơm rạ được nông dân chọn nhiều nhất, 98,23% vụ đông xuân, 89,67% vụ hè thu, 54,1% vụ thu đông (Trần Sỹ Nam và ctv, 2014) trước khi làm vụ mùa mới. Cách làm trên vừa gây lãng phí lớm vừa làm ô nhiễm không khí, gây hiệu ứng nhà kính từ đó gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và gây hại cho sức khỏe của cộng đồng.

Nghiên cứu phân tích hiệu quả kỹ thuật và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật của các nông hộ trồng nấm rơm ở đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu được ước lượng từ hàm sản xuất biên ngẫu nhiên Cobb-Douglas dựa trên cơ sở phỏng vấn trực tiếp 115 nông hộ trồng nấm rơm ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp; quận Ô Môn và quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Kết quả phân tích cho thấy mức hiệu quả kỹ thuật trung bình của các nông hộ trồng nấm rơm là 66,6%. Mức hiệu quả kỹ thuật cao nhất của các nông hộ trồng nấm rơm là 99% và thấp nhất là 39%. Mức hiệu quả kỹ thuật giữa các nông hộ có thể là do có sự khác biệt về số người trong hộ, trình độ học vấn, kỹ thuật trồng nấm rơm và cách thực hành sản xuất nấm rơm. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật của các nông hộ trồng nấm rơm là lượng rơm, lượng meo, chi phí BVTV, lượng lao động thuê, lượng lao động nhà và số người trong hộ. Yếu tố gây ra sự phi hiệu quả kỹ thuật là tuổi.

ctngoc

Tạp chí nông nghiệp Việt Nam, số 22/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ