Ảnh hưởng của thức ăn nuôi vỗ và kích dục tố đến kết quả sinh sản của cá măng sữa (Chanos chanos forsskal, 1775)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Kim Ngân -Trường CĐSP Nghệ An, Tạ Thị Bình, Nguyễn Đình Vinh, Trần Đức Lương - Viện Sinh Thái và TNSV và Nguyễn Quang Huy - Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN Nghệ An thực hiện.
Ảnh minh họa
Cá măng sữa Chanos chanos là loài duy nhất trong họ cá măng (Chanidae), thuộc họ cá vây tia (Gonorynchiformes). Cá măng sữa có bề ngoài cân đối, cơ thể thuôn dài, đẹp hai bên, với vây đuôi chẻ khá sâu, chiều dài cá lớn nhất có thể đạt tới 1,7m. Loài cá này phân bố rộng rãi khắp trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ở những vùng biển nhiệt đới cận nhiệt đới và lan rộng từ biển Hồng Hải, Đông Nam châu Phi đế Mexico. Cá măng là một trong những loài cá biển nuôi truyền thống quan trọng ở các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á như Philiphine, Indonesia và Đài Loan – Trung Quốc từ khoảng 4-6 thế kỷ trước. Sản lượng nuôi cá măng sữa đá đóng góp khoảng 60% tổng sản lượng nuôi cá ở Đông Nam Á.
Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn nuôi vỗ và liều lượng các loại kích dục tố đến sinh sản cá Măng sữa (Chanos chanos Forsskål, 1775) được thực hiện nhằm góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo loài cá này. Nghiên cứu được tiến hành qua hai thí nghiệm, từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018. Thí nghiệm 1 nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ, gồm 3 nghiệm thức: cá tạp (TA1); thức ăn tự chế (TA2) và thức ăn công nghiệp (TA3) trong thời gian 4 tháng. Thí nghiệm 2 xác định liều lượng kích dục tố (HCG, LHRHa) để kích thích sinh sản nhân tạo cá Măng sữa, gồm có 4 nghiệm thức là các loại và nồng độ kích dục tố khác nhau, gồm 30 µg LHRHa + 1000UI HCG/kg cá cái (KDT1), 40 µg LHRHa + 1000UI HCG/kg cá cái (KDT2), 50 µg LHRHa + 1000UI HCG/kg cá cái (KDT3), 60 µg LHRHa + 1000UI HCG/kg cá cái (KDT4).
Cá đực ở mỗi nghiệm thức được tiêm liều bằng 1/2 liều của cá cái. Sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi vỗ cá Măng sữa cho kết quả sinh sản tốt hơn so thức ăn là cá tạp hoặc thức ăn tự chế. Tỷ lệ cá thành thục (cá đực: 80,0%, cá cái: 86,67%), tỷ lệ đẻ 91,67%, tỷ lệ thụ tinh là 83,42%, tỷ lệ nở 75,29% đạt cao nhất ở cá nuôi vỗ bằng thức ăn công nghiệp (P<0,05) đạt tỉ lệ trứng thụ tinh là 84,22%; tỷ lệ nở 88,68%.
ctngoc
Tạp chí nông nghiệp Việt Nam, số 22/2020